phân tích
JAMES DEAN VÀ HÌNH TƯỢNG KẺ NỔI LOẠN CÔ ĐỘC
Người viết: Tâm Nguyên Abu
“Hãy ước mơ như thể đời ta là vĩnh viễn, và sống như thể cái chết sẽ đến ngày hôm nay.” – James Dean
Nhắc đến thập niên 1950, liệu ta sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Đó phải chăng là ông hoàng nhạc Rock ‘n’ Roll Elvis Presley với điệu nhảy quyến rũ đã đi vào lịch sử? Đó phải chăng là huyền thoại điện ảnh Marlon Brando cùng cuộc cách mạng diễn xuất? Hay có khi lại là nàng thơ tóc vàng gợi cảm Marilyn Monroe? Còn đối với tôi, thập niên 50 mãi in dấu một huyền thoại, một ngôi sao màn bạc, một kẻ nổi loạn vĩ đại, u sầu và đoản mệnh. Đó là James Dean. Đó là gã trai hoang dại, ngổ ngáo mà cuộc đời được gói gọn trong câu nói: “Live fast, die young.” Anh đã để lại cho đời 3 bộ phim kinh điển là East of Eden, Rebel Without A Cause và Giant rồi vội vàng nhắm mắt trên đỉnh vinh quang.
James Byron Dean sinh ngày 8/2/1931 tại Marion, Indiana, mất ngày 30/9/1955 tại Cholame, California. Anh là con trai duy nhất của Winton Dean và Mildred Marie Wilson. Thuở nhỏ, James Dean gần gũi với mẹ hơn là với cha. Theo lời kể của Marcus Winslow – người anh em họ của James thì chính bà Mildred là người đã khơi dậy trong trái tim cậu bé James Dean tình yêu với kịch nghệ và chính bà cũng là người có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong việc Jimmy chọn đi theo con đường nghệ thuật. Đối với James Dean, Mildred không chỉ là người mẹ dấu yêu mà còn là điểm tựa, là nguồn động lực mạnh mẽ, là người bạn tri kỉ thấu hiểu tâm hồn anh. Đến năm James 9 tuổi thì bi kịch ập tới: bà Mildred qua đời vì căn bệnh ung thư. Cái chết của người mẹ đã hình thành nên trong James Dean một nỗi đau đáu khôn nguôi, một vết sẹo tâm hồn, và dường như đó cũng chính là mầm mống cho sự nổi loạn của anh về sau này. Mất đi người mình thương yêu nhất, gia đình túng quẫn, người cha Winton lại tỏ ra vô tâm, lãnh đạm, James Dean trở nên u uất. Anh được chuyển về sống cùng cô chú Winslow tại vùng Fairmount, Indiana mà theo tôi được biết, là nơi tạm trú cho tâm hồn sứt sẹo với khát khao được bao bọc của Jimmy. Tại đây, James Dean được học luật và kịch nghệ, song song với niềm đam mê đua xe và bóng rổ. Năm 1951, James quyết định đi theo con đường nghệ thuật dẫu vấp phải sự phản đối từ người cha.
Cho đến ngày nay, James Dean vẫn được nhắc đến như một biểu tượng của văn hoá đại chúng, như một huyền thoại điện ảnh có phong cách vượt thời gian. Ở tuổi mới ngoài 20 nhưng anh lại mang vẻ phong trần, hoang dại cùng dáng dấp ngang tàng của một kẻ trải đời, với chiếc quần jeans bạc màu và điếu thuốc lá hờ hững trên môi. Anh chính là cái tên thương yêu được nhắc đến trong câu hát: “You got that James Dean daydream look in your eyes.” Và quả đúng như trong lời ca của nàng Taylor, đôi mắt anh thật sự rất ảo diệu, mơ màng, sâu thẳm. Đôi mắt ấy ánh lên vẻ bất cần, hoang dại nhưng dường như luôn trĩu nặng nhiều suy tư và những nỗi buồn. Đôi mắt ấy khi nheo lại tạo nên những vết chân chim cùng một ánh nhìn quyến rũ mà xa xăm, u sầu.
Vẫn dáng dấp phong trần ấy, trong phân cảnh mở đầu của Rebel Without A Cause, ta được thấy hình ảnh một James Dean lạc lõng, say xỉn nằm vật ra trên phố, nâng niu món đồ chơi bị vứt bỏ. Ở cảnh tiếp theo, nhân vật Jim Stark của Dean bị áp giải về đồn cảnh sát, và chính tại nơi này, nỗi đau khổ, phẫn uất của Jim về gia đình trào dâng đến tột đỉnh. Đôi mắt của Jimmy vẫn “buồn man mác”, nhưng lần này chúng đau xót nheo lại, đỏ ngầu và ầng ậng nước. Phân cảnh đầu tiên của bộ phim đã khắc hoạ thành công hình tượng chàng trai trẻ Jim Stark đầy hoang dại, cô đơn, lạc lõng với khao khát được nổi loạn, được thấu hiểu và thương yêu. Xuyên suốt Rebel Without A Cause, trích đoạn ấn tượng nhất với tôi chính là lúc Jim trở về nhà sau cuộc đua xe tử thần. Và trong cơn thịnh nộ, bất mãn bởi cha mẹ không lắng nghe, thấu hiểu, trong nỗi thất vọng tột cùng khi bị ép buộc phải giữ im lặng dẫu cho anh khát khao thú nhận tội lỗi để “gột rửa” bản thân, Jim đã hùng hồn lao đến túm cổ, vật ngã người cha, đạp đổ bức chân dung người mẹ rồi lao đi vào màn đêm lạnh giá. Trường đoạn kịch tính và gấp gáp cũng như lòng người tan nát, uất ức và rối bời. Màn trình diễn táo bạo và đầy cảm xúc như “xuất hồn” vào nhân vật của James Dean đã thực sự chạm đến trái tim người xem. James quả là một tài năng xuất chúng, và tôi cho rằng đôi mắt u sầu, nặng trĩu nỗi niềm thầm kín chính là điểm mạnh nhất của anh. Trước Rebel Without A Cause, James Dean đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả qua màn trình diễn đầy ngẫu hứng trong East of Eden. Anh vào vai Cal Trask – một cậu trai trẻ đáng thương với nội tâm phức tạp, đa cảm và luôn phải sống dưới cái bóng quá lớn của người anh trai. Cal Trask, cũng giống như Jim Stark, chỉ đơn thuần là một cậu bé mới lớn với tâm hồn lạc lõng, hoang dại, nổi loạn và khát khao được yêu thương. East of Eden có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, đó là lúc Cal thu mình, co ro trên nóc con tàu mịt mù khói, là lúc anh nở nụ cười ấm áp giữa cánh đồng hoa Geum, là lúc anh bật khóc nức nở, ôm chầm lấy cha sau khi bị ông từ chối nhận món tiền mồ hôi nước mắt. James Dean thực sự đã sống trong từng vai diễn. Bộ phim cuối cùng của James là Giant, và đó cũng là bộ phim tôi thích nhất trong sự nghiệp của anh. Đạo diễn George Stevens đã từng nói: “James sống đầy đủ cuộc đời trong bộ phim này. Anh thấy được cả tình yêu lẫn tuổi già của mình.” Trong phim, anh vào vai Jett Rink – chàng trai ngổ ngáo từ kẻ làm công nghèo hèn bỗng trở thành một tay tư sản dầu hoả giàu có. Jett Rink, cũng chẳng khác Jim Stark hay Cal Trask là bao, vẫn là kẻ nổi loạn, hoang dại với dáng vẻ phong trần, ngạo nghễ. Thế nhưng, điều khiến Jett trở nên có chiều sâu chính là mối tình đơn phương thầm kín với bà chủ Leslie (Liz Taylor) mà anh ấp ủ từ tuổi thanh xuân đến lúc về già. Xem phim ta thấy vừa giận mà vừa thương cho chàng Jett si tình. Thế nhưng, đáng buồn hơn cả là lúc bộ phim được công chiếu, lúc khán giả được chiêm ngưỡng chàng Jett Rink trên màn ảnh thì James Dean đã chẳng còn trên cõi đời này.
“James Dean sống cuộc đời mình trong từng vai diễn.” – đó là điều chẳng thể phủ nhận. Đằng sau ống kính, anh là kẻ nổi loạn vô cớ Jim Stark với niềm đam mê tốc độ, là Cal Trask đa sầu đa cảm với khao khát được cha công nhận, thương yêu, là Jett Rink lạnh lùng, ngạo nghễ nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự. James Dean có lối sống hoang dại và phóng khoáng. James là kẻ thiếu ngủ, tất nhiên rồi, mắt anh thâm quầng như gấu trúc, bọng thì rõ to và còn cận lòi nữa. Thời mới chuyển đến New York, hằng đêm Jimmy lại rảo bước trên những con phố, lọt thỏm trong những Jazz club và quán cà phê cho tới khi trời bừng sáng. Anh bất chấp những lời cấm cản, dùng tiền thù lao mua một chiếc mô tô thật ngầu, thật xịn rồi phóng với tốc độ bàn thờ trên con đường Mulholland “ảo mộng” của Hollywood. Ngay sau khi dự án phim Giant kết thúc, James Dean đã đổi chiếc xe Porsche Speedster để lấy chiếc 550 Spyder kiểu mới – và chính chiếc xe này, vào ngày 30/9/1955, sẽ cướp đi sinh mạng của anh. Người ta gọi James là “Little Bastard”, đúng như cái tên anh đặt cho chiếc xe tử thần của mình. Lối sống hoang dại của James Dean hoàn toàn đi ngược với những quy củ, chuẩn mực của thập niên 1950 bấy giờ. Khi ấy, chiến tranh kết thúc, đời sống vật chất dư dả, nước Mỹ của thập niên 1950 lại tiếp tục dựng xây những giấc mơ, dựng xây những “gia đình mẫu mực”. Thế nhưng, ẩn sâu trong lớp vỏ bọc nguy nga, phù hoa, tráng lệ ấy chính là những hủ tục, quy củ gò bó, là những cô cậu thanh thiếu niên đang khắc khoải, đang chết dần chết mòn trong niềm khao khát được bung toả và nếm trải mùi đời. Đó là thập niên 1950, nơi sự giả tạo cùng những chuẩn mực, những giá trị đạo đức cũ mèm được đặt lên trên tất cả, nơi con người được dạy phải thế này, phải thế kia, phải miễn cưỡng núp trong vỏ bọc ngoan hiền. Và rồi, chàng trai James Dean xuất hiện như một hiện tượng của giới trẻ, chàng được tôn lên làm “người anh hùng” của thời đại mới. Tiếng nói, tiếng khóc James Dean chính là nỗi lòng thổn thức của biết bao trái tim cô đơn, lạc lõng khát khao tìm lại bản ngã. Cùng với 3 bộ phim huyền thoại, cùng với Jim, với Cal, với Jett, James Dean đã vén màn sự giả tạo, hư trá của Giấc Mơ Mỹ, đập tan những định kiến, những biểu tượng “anh hùng” cơ bắp đã quá sức lỗi thời. James Dean – kẻ nổi loạn đi trước thời đại, kẻ biết ước mơ, biết thể hiện bản lĩnh giữa một xã hội đầy rẫy hủ tục, xứng đáng trở thành một huyền thoại, một vị anh hùng hơn bất cứ ai.
James Dean là kẻ ngổ ngáo, nổi loạn nhưng lại ấm áp và đa cảm. Suốt cuộc đời ngắn ngủi 24 năm, Jimmy dính tin đồn hẹn hò với nhiều người, trong đó nổi tiếng nhất là “thuyết âm mưu” về mối tình đồng tính giữa anh và Marlon Brando. Thực hư câu chuyện ra sao thì chỉ có những người trong cuộc mới rõ, và có những bí ẩn ta sẽ chẳng bao giờ giải đáp được. Bỏ sang một bên những câu chuyện vẫn nằm trong bóng tối, James Dean đã từng có một mối tình đẹp, một mối tình ngắn ngủi mà tôi nghĩ rằng nó đã gây cho anh nhiều nỗi nhớ thương và lưu luyến nhất. Đó là cuộc tình với nàng thơ nước Ý Pier Angeli. James Dean và Pier Angeli tình cờ gặp nhau trên phim trường, vào một buổi sáng mùa hè năm 1954. Jimmy đổ trước cô nàng duyên dáng, thanh lịch, còn Pier cảm nắng anh chàng ngổ ngáo nhưng lại ấm áp, dịu dàng. James Dean gọi Pier Angeli là “Nàng Tiên của tôi” và thổ lộ: “Nàng là người phụ nữ đầu tiên khiến tôi muốn khoác lên mình một bộ tuxedo.” Họ yêu nhau say đắm tới mức James Dean sẵn sàng cải đạo để được kết hôn với nàng. Đáng tiếc, mối tình đẹp đẽ của tuổi thanh xuân đã không đem lại kết cục hạnh phúc cho cả hai. Mẹ của Pier Angeli – người vốn không ưa gì James Dean, đã dàn xếp một cuộc hôn nhân cho con gái với nam ca sĩ Vic Damone. Pier Angeli dù đau khổ đến tột cùng nhưng vẫn không đủ dũng khí cãi lại lời mẹ để chạy theo tình yêu đời mình, nàng và Dean buộc phải chia tay. Tháng 10 năm 1954, James Dean đáp phi cơ đến New York, và chỉ 48 giờ sau, anh hay tin Nàng Tiên của mình sắp đi lấy chồng. Vào ngày 24/11/1954, Pier Angeli cùng Vic Damone chính thức làm đám cưới. Hôm ấy, chàng James Dean trở thành vị khách không mời mà tới. Chàng mặc áo khoác đỏ, quần jeans bạc màu, đơn độc cùng chiếc mô tô, châm một điếu thuốc, rồi lẳng lặng dõi theo bóng hình Nàng Tiên Pier Angeli bước vào giáo đường cùng người đàn ông khác. James Dean chìm trong nỗi buồn sâu thẳm, sự bẽ bàng và cô đơn. Sau này, James Dean đã bác bỏ tin đồn về việc anh tới hôn lễ Pier Angeli. Nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, có một điều ta không thể phủ nhận, rằng mối tình với Nàng Tiên nước Ý đã đem đến cho Jimmy nhiều nỗi buồn thương, lưu luyến và bẽ bàng. Trong đời James Dean có hai người phụ nữ quan trọng mà anh vô cùng trân quý, đó là mẹ anh và nàng Pier Angeli. Trớ trêu thay, đến cuối cùng, cả hai đều đã rời xa và chẳng còn bên cạnh anh nữa. Kể từ ngày ấy cho đến cuối đời, niềm ai ủi duy nhất với chàng tài tử bạc mệnh chỉ còn đóng phim và đua xe. Về phần Pier Angeli, sau khi “kẻ nổi loạn cô độc” James Dean từ giã cõi đời, sau 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ, nàng mới ngậm ngùi thổ lộ rằng Dean mới chính là tình yêu của cả cuộc đời…
Ngày 30/9/1955, nền điện ảnh thế giới đã vĩnh viễn mất đi kẻ nổi loạn James Dean. Buổi chiều thu định mệnh ấy, James cùng Ralph Uentherich - người thợ máy gốc Đức di chuyển đến Salinas để tham dự cuộc đua xe tổ chức vào ngày 1/10/1955. Người ta đã kịp ghi lại khoảnh khắc Jimmy trong chiếc T- shirt trắng và quần jeans, ngậm điếu thuốc lá bên chiếc Porsche tử thần của mình. Thật đau lòng làm sao! Trong bức ảnh chụp vội cuối cùng ấy, Jimmy nở nụ cười tươi mà không hay biết chỉ vài giờ sau, anh sẽ chẳng còn trên cõi đời này. Như một thói quen, James Dean phóng chiếc Porsche Spyder trên khắp nẻo đường với tốc độ bạt mạng. Khi đến Cholame, đồng hồ chỉ 85 dặm tức 170 km/giờ. Bất chợt, một chiếc Ford Tudor 1950 màu đen rẽ trái, băng qua đường ngay trước con xe Porsche của Jimmy. Trong khoảnh khắc, gã trai nổi loạn đã không kịp thắng lại, và chiếc xe tử thần điên cuồng lao đến như một “đứa con hoang”… Một cú nổ long trời vang lên, hai chiếc xe húc thẳng vào nhau. Chiếc Porsche của James Dean bị hất văng lên 15m. Ralph ngã khỏi xe, còn Jimmy bị chôn vùi trong đống kim loại đổ nát với vết thương nặng ở đầu. Lúc ấy là 5 giờ 59 phút ngày 30/9/1955, và chỉ một giờ sau, trên chuyến xe tới bệnh viện, chàng trai 24 tuổi James Byron Dean đã không còn thở nữa…
James Dean đã sống một cuộc đời hoang dại, nổi loạn, gấp gáp và ra đi trong khoảnh khắc cuồng loạn, vội vàng. Thi thể của Jimmy được đưa về Indiana dấu yêu, và được chôn cất tại nghĩa trang Park, Fairmount – nơi xung quanh có những hàng cây cổ thụ che mát. Hằng năm, người người đến dâng vòng hoa trên ngôi mộ, để tưởng niệm chàng trai tài hoa bạc mệnh. Có thể nói, cái chết đã biến James Dean thành bất tử, thành một ngôi sao không bao giờ vụt tắt trên bầu trời Hollywood. Người ta sẽ mãi nhớ đến anh như một kẻ nổi loạn vĩ đại trong chiếc áo khoác đỏ và quần jeans bạc màu, như một cậu trai trẻ với dáng điệu ngang tàng, ngạo nghễ bước đi trong cơn mưa ở Quảng Trường Thời Đại. Ba bộ phim kinh điển, ba vai diễn đi vào lịch sử, một trái tim ấm áp, đa cảm cùng một tâm hồn nổi loạn đầy những ước mơ, tất cả đã quá đủ để biến anh thành một tượng đài, tất cả đã quá đủ để người đời nhớ thương, tặng trao anh hai chữ “huyền thoại”.
Hôm nay, 30/9/2020, cũng là 65 năm ngày mất của huyền thoại điện ảnh James Dean.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ