phỏng vấn
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU BỘ ẢNH CHỤP JAMES DEAN CỦA DENNIS STOCK
Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!
(Bài viết được tham khảo, lược dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, thông tin cụ thể mình xin để ở cuối bài. Nên nếu được, mọi người có thể đọc trực tiếp từ các bài báo tiếng Anh để nắm thêm nhiều chi tiết).
Bức hình James Dean khoác trên người bộ áo choàng đen dài quá đầu gối, trên miệng phì phèo điếu thuốc, tản bộ dọc vỉa hè Quảng trường Thời đại dưới trời mưa giá rét ở New York của nhiếp ảnh gia Dennis Stock, vẫn luôn được coi là một trong những hình ảnh mang tính biểu tưởng nhất nước Mỹ thế kỷ 20. Cuộc đời và sự nghiệp của Dean tuy ngắn ngủi, nhưng những bức ảnh nổi tiếng chụp anh - đặc biệt là những bức chụp bởi Dennis Stock - trong quãng thời gian đó, đã góp phần lưu truyền lại những giá trị và di sản “ít ỏi” mà James Dean để lại cho hậu thế, một minh tinh Hollywood với phong thái và phong cách khác biệt hoàn toàn với những đồng nghiệp cùng thế hệ.
Dennis Stock gặp James Dean lần đầu tại một bữa tiệc chiều Chủ nhật, chủ trì bởi đạo diễn Nicholas Ray ở khách sạn Chanteau Marmont, Los Angeles (khoảng cuối năm 54). Ray dắt tay Dennis ra giới thiệu anh với một người đàn ông trẻ đang ngái ngủ ngồi thụp xuống chiếc ghế bành. “Dennis, tôi muốn cậu gặp James Dean. Cậu ấy là diễn viên. Jimmy,” ông quay lại nhìn Jimmy, “Đây là Dennis Stock. Anh ấy là nhiếp ảnh gia, một người cậu nên làm quen.” Dennis tự hỏi vì sao mà Ray lại giới thiệu mình với chàng thanh niên ủ rũ, bốn mắt kia.
Hai người nói với nhau một vài câu chào hỏi lịch sự, rồi chợt nhận ra họ có một người bạn chung: Gjon Mili, một nhiếp ảnh gia của tạp chí LIFE, người đã chỉ đạo thực hiện buổi screen-test của James Dean ở New York. Dean khi ấy đang mong chờ ngày ra mắt bộ phim đầu tiên anh tham gia đóng vai chính, East of Eden của Elia Kazan, còn Stock thì là nhiếp ảnh gia cho Magnum. Trong lúc ngồi tán gẫu về Gjon, hai người nhanh chóng kết thân với nhau, Dean rủ Stock tới “xem lậu” tác phẩm sắp ra mắt của mình. Nghe thoáng qua lời giới thiệu của Ray và trực tiếp từ chính anh bạn mới quen, Stock nghĩ rằng Dean chắc chỉ đóng một vai nhỏ trong East of Eden thôi. Cho tới khi bước vào phòng chiếu, được tận mắt chứng kiến bức chân dung đau buồn của nhân vật chính Cal Trask do Dean hoá thân, Stock mới nhận ra tiềm năng to lớn của người bạn trẻ anh mới gặp, người làm anh gợi nhớ tới những Marlon Brando, Paul Newman, Montgomery Clift, anh biết mình sẽ được tận mắt chứng kiến sự ra đời của một ngôi sao mới, sắp sửa rực sáng trên bầu trời Hollywood. Sau khi xem xong, Stock vội vã chạy ngược ra khỏi rạp, vòng qua con hẻm, anh nhìn thấy James Dean đang ngồi một mình trên chiếc xe mô tô, trên người mặc một chiếc áo khoác da, cậu ta hỏi anh thấy phim thế nào.
“Cậu là một diễn viên tuyệt vời! Jimmy!” Dennis Stock hét lên.
Họ tiếp tục trò chuyện với nhau sáng hôm sau ở tiệm Googies. James kể với Dennis về tuổi thơ của mình, về những tháng ngày cậu còn ở Indiana. Stock đã đưa ra ý tưởng về một “cuốn” tiểu sử được kể bằng hình ảnh, từ quá khứ của Dean, từ những rạp hát ở New York nơi Dean học nghề và từng bước tiến tới giấc mơ Hollywood. Đó là một đề xuất mới lạ và độc đáo, bởi khi ấy các nhiếp ảnh gia thường chưa tái hiện lại chi tiết những hình ảnh tuổi thơ của các diễn viên bao giờ cả. Để rồi những sự kiện xảy ra sau đó đã tạo ra một trong những bộ ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh, Eliza Berman viết trên tạp chí LIFE:
“Trong bữa sáng buổi sớm ngày hôm sau, sau khi chăm chú lắng nghe những tâm sự về tuổi thơ của Dean hồi anh còn ở Fairmount, Indiana; Stock đã quyết tâm chụp lại những bức chân dung của một người đàn ông trẻ tuổi đang lơ lửng giữa hai thế giới: đó là trang trại gia đình nơi chú và cô đã nuôi nấng cậu bé James Dean, vừa phải trải qua mất mát sau sự ra đi của người mẹ thân yêu; và khi anh đang cố gắng đi từng bước tìm kiếm sự công nhận nơi kinh đô điện ảnh Hollywood. Stock đã giới thiệu chúng như một bài tiểu luận bằng hình ảnh cho tạp chí LIFE, mặc dầu biết nó không phải một tác phẩm dễ bán, nhất là lại với một tay diễn viên vô danh, nhưng với sự bí ẩn của anh chàng Dean kia, Stock vẫn được “bật đèn xanh” cho dự án của mình.”
Dean như hiện thân của sự tổn thương, nhưng tuy vậy trong lòng anh vẫn tồn tại một ngọn lửa luôn rực cháy. Trong Rebel Without A Cause, Dean đã trở thành một biểu tượng lớn, là tiếng lòng cho cả một thế hệ, khi anh truyền tải lên màn ảnh một nhân vật mà sau này luôn gắn liền với cá nhân anh ngoài đời thực, một câu thanh niên trẻ lạc lõng và mong ước được công nhận luôn hiện diện bên trong từng hành động và lời nói. Dean đã thể hiện những tính cách nhân vật một cách quá xuất sắc, khiến khán giả nhiều khi cũng phải vật lộn để tách biệt hình ảnh của anh trong phim và ngoài đời. Stock quyết tâm chụp James Dean - một thanh niên trẻ và những câu chuyện thực về anh, chứ không phải Cal Trask, Jim Stark hay một diễn viên gắn mác “minh tinh màn bạc nổi tiếng”. “Lúc mới bắt đầu tôi không ưng lắm với những bức hình mà cả hai chụp được, tôi thấy nó cứ gượng gạo thế nào, vậy nên tôi đã thực hiện một đống tấm ảnh vô nghĩa của Jimmy, và rồi dần dần, cậu ấy sẽ thả lỏng người ra, để tôi có thể chụp được những tấm hình tự nhiên nhất, tiết lộ tính cách thực sự của cậu ấy.”
Dean qua đời năm 1955, sau khi bộ phim cuối cùng của anh, Giant ra mắt (một năm sau sự ra đi của Dean). Những người hâm mộ đã tỏ một lòng tiếc thương vô hạn cho một người diễn viên trẻ không còn được bước tiếp tới những tác phẩm được dự đoán là còn lớn và xuất sắc hơn nữa. Mong muốn chạm tay vào những tấm hình thời còn sống của thần tượng, các fans đã tranh nhau mua về mọi tấm hình mà Dean từng chụp. Một số tấm vào thời điểm ấy chưa từng được công bố. Nhiều năm sau, tạp chí LIFE mới chính thức công bố những bức hình, đi kèm những câu chuyện cảm động về Stock và Dean thời hai người còn chơi và làm việc với nhau:
“Những tấm ảnh này sẽ đưa chúng ta ngược về quá khứ, giúp chúng ta một lần được trải nghiệm phần nào cảm giác choáng váng mà những độc giả của tạp chí được chứng kiến mùa đông năm 1955, khi họ nhìn thấy những bức chân dung xúc động mà Stock chụp “vì sao” trẻ trung, tuyệt đẹp này; khi họ biết rằng anh ấy sẽ luôn ở bên họ, luôn đóng vai chính trong các bộ phim của riêng mình, mãi mãi như vậy.”
Dennis và James Dean bay tới New York, và hẹn nhau ở căn hộ của Jimmy ở đường 68, ngay cạnh Công viên Trung tâm. Mắt Jimmy thâm quầng, “Cậu ấy thiếu ngủ, nhìn như mới dưới địa ngục trèo lên vậy, tệ nhất là thỉnh thoảng cậu ấy ngất xỉu, được vài phút hoặc vài tiếng sau tỉnh lại, và bọn tôi lại tiếp tục.” Cũng sáng hôm đó, cả hai ăn sáng, uống cà phê ở Cromwell Pharmacy, rồi lại đi bộ tiếp.
“Căn hộ của Jimmy khá nhỏ và lại còn ở tầng trên cùng, tôi đoán hồi trước nó là phòng của người dọn dẹp ở đây. Rất nhiều sách và đĩa than xung quanh, dù tôi không chắc cậu ấy có thật sự đọc nhiều như vậy không. Nhưng cậu ấy rất yêu âm nhạc”, Dennis nói.
“Tôi sưu tầm mọi thứ từ âm nhạc thế kỷ 12-13 tới âm nhạc hiện đại - anh biết đấy, Schoenberg, Berg, Stravinsky. Tôi cũng thích album Songs for Young Lovers của Frank Sinatra.” James Dean chia sẻ với Dennis.
“Đa phần số sách của Jimmy là liên quan tới kịch nghệ, đương nhiên rồi, nhưng còn có sách của Kafka, Charlotte’s Web và Death in Venice của Thomas Mann. Một mục sư ở Fairmount từng khuyên Jimmy tham gia đấu bò tót, đó là lí do ta thấy có cặp sừng và chiếc áo choàng đỏ trên tường. Tôi không chắc cậu ấy đã đi xem đấu bò tót bao giờ chưa, nhưng cậu ấy rất thích lấy chiếc áo choàng đó ra nghịch - tôi đoán vậy. Có gì đó trong cậu ấy rất hợp với công việc này - lì lợm, hoang dại và hung hăng.” Dennis Stock nói.
Dennis Stock: “Với các diễn viên mới vào nghề ở thập niên 50, New York chắc là điểm đến ưa thích của họ. Chúng tôi thường hay dạo dọc các con phố cùng nhau, và tôi thích chụp hình Jimmy quan sát mọi người xung quanh. Nhìn vậy thôi chứ thật ra cậu ấy không chăm chuốt vẻ bề ngoài lắm đâu, thường thì cậu ấy hay ăn diện như con chó xù hơn ấy, bất kể là buổi gặp mặt quan trọng hay không. Vậy nên điều gì khiến Jimmy bước vào tiệm cắt tóc ở Quảng trường Thời đại trong lúc chúng tôi đang đi bộ, cái đó tôi cũng không chắc.”
Trong những tấm hình chụp ở New York, Stock đã chụp Dean đang tập múa ba lê với bạn của anh - ca sĩ, diễn viên, vũ công Eartha Kitt. Dean và Kitt gặp nhau vào đầu những năm 1959 tại phòng tập khiêu vũ Syvila Forte ở New York, rồi tiếp tới là ở các lớp học tại phòng thu Katherine Dunham. Dẫu cho có vô số tin đồn về việc Dean là bisexual hay việc anh có mối tình say đắm với Kitt, cô vẫn luôn nói về Dean với một sự tôn trọng và tình cảm lớn lao. Cô gọi anh là “Jamie”, và mối quan hệ của hai người vẫn giữ vững tới khi anh qua đời vài năm sau. “Tình cảm của chúng tôi chắc mới chỉ chớm nở thôi.” Kitt từng tâm sự. “Tôi đã trở thành một người bạn tâm giao đáng tin cậy với cậu ấy, như những người chị em tri kỷ vậy.”
Kitt và Dean trong một rạp chiếu phim ở New York, nơi đang chiếu bộ phim East of Eden mà Dean lần đầu tham gia với vai trò diễn viên chính.
“Bọn tôi thường xuống phố phường ở New York để tản bộ cùng nhau, và tôi cũng thích chụp những tấm hình James Dean quan sát mọi người trên đường đi. Cậu ấy có một trí tò mò rất lớn về mọi người xung quanh, là một nhiếp ảnh gia, ghi lại những khoảng khắc đường phố đời thường như vậy, nhưng tôi sẽ mãi mãi không khỏi bất ngờ bởi những câu chuyện dị dị đã xảy ra khi đi cùng cậu ta. Kiểu như, một hôm Jimmy dừng lại tại một cửa tiệm khi thấy hai cô bé đứng cạnh một con chó, cậu ấy tò mò về cái thứ mà cô bé kia nghịch trên tay. “Em cầm cái gì thế?”, “Dạ đầu con gà”, cô bé trả lời… Chắc chỉ khi đi cùng James Dean chúng ta mới hay gặp phải những câu chuyện kỳ quặc như thế thôi.” Dennis Stock chia sẻ.
“Chúng tôi đang đi xuống đại lộ Sáu thì bỗng nhiên James Dean dừng lại, cậu ấy đứng quan sát một cửa hàng đồ nội thất gần Trung tâm Rockefeller. “Đồ vật ở đây lúc nào cũng bị nhìn vào nhỉ”, cậu ấy nói. “Tôi tự hỏi cảm giác sẽ như thế nào khi ở bên trong và nhìn ra ngoài. Đứng ở đây và chụp tôi mấy tấm hình phản ứng của mọi người khi thấy tôi ở trỏng và nhìn chằm chằm ra ngoài nhé.” Thế là ảnh lẻn vào trong. Dù hầu hết ai đi qua cũng chú ý đến điều kỳ lạ đó, nhưng đa phần là họ bước tiếp luôn. Dễ hiểu thôi, đa phần mọi người thường chẳng bận tâm gì mấy chuyện vặt vãnh vậy, đây là New York mà, nhịp sống đô thị ở thập niên 50 nó cũng náo nhiệt như bây giờ vậy. Ở những thị trấn nhỏ thì có lẽ khác biệt một chút, chứ New York thì biết sao được…”
Dennis Stock:
“Thời điểm bọn tôi tới Fairmount, Indiana, quá trình quay East of Eden đã hoàn thành xong cả phần hậu kỳ, chỉ còn chờ ngày công chiếu thôi. Nhưng người dân trong thị trấn đều biết tới James Dean, bởi cậu đã xuất hiện trong một số bộ phim truyền hình chiếu trên TV, dẫu vậy, họ vẫn nào thể ngờ danh tiếng của cậu ấy còn bay xa tới đâu.”
“Bố mẹ Jimmy chuyển tới California từ khi cậu ấy mới lên sáu. Ba năm sau, mẹ cậu ấy qua đời vì ung thư. Jimmy được đưa về Indiana cho cậu, mợ nuôi nấng, Marcus và Ortense Winslow. Họ đều theo đạo Quaker. Và như những gì bà ngoại Emma kể, cả hai người đều rất thông thái và dịu dàng, trong nhà không bao giờ nghe thấy một lời cáu gắt nào.”
“Tháng Hai nghe chừng không mấy dễ thở ở vùng Trung Tây, không phải một thời điểm thích hợp để quan sát cảnh quan, hay ít nhất là hiểu rõ hơn về quá khứ của một người. Bầu trời xám xịt, không khí ảm đạm, và có lẽ cũng là tâm trạng chung của mọi người nơi đây. Chắc cũng vì vậy nên Jimmy thích thử nghiệm mọi thứ, mà toàn mấy trò quái dị thôi. Và đúng như Jimmy mà ta biết, cậu ấy dường như đang tự làm khó mình.”
James Dean cùng em họ Marcus bên cạnh ngôi mộ của ông cố Cal Dean. Trớ trêu thay, chỉ một năm sau, đây lại là nơi anh đoàn tụ với người mẹ thân yêu và những thành viên trong gia đình mình.
Vào một ngày giá rét, Stock và Dean tản bộ dọc cánh đồng Fairmount. Họ đi ngang qua cửa hàng đồ nội thất Hunt trên phố chính. “Ê, đi theo tôi,” Jimmy nói và lẻn vào căn phòng phía sau cửa hàng, nơi chứa hàng chục chiếc quan tài, đang chờ để đem ra bày bán. Dennis kinh hãi khi nhìn thấy cậu bạn mình cởi giày vào trèo vào quan tài, cậu giơ tay lên và nói, “Chụp tôi đi.”
Dennis từ chối, anh cho rằng đùa như vậy không hay ho gì, và yêu cầu Dean rời khỏi quan tài trước khi ai đó nhìn thấy. Jimmy không nghe. Dennis đành phải đưa máy lên chụp một vài tấm ảnh: Jimmy nằm vật xuống, đôi mắt nhắm tịt, hai tay đặt trước ngực, mỉm cười rồi làm đủ biểu cảm khác nhau.
“Không buồn cười chút nào,” Dennis nói. “Tôi không hiểu nổi cậu ấy làm thế vì lí do gì, và tôi chưa bao giờ mong muốn cậu ấy cả gan làm những thứ như vậy. Nó làm tôi chết khiếp, và tôi đoán, chính bản thân cậu ấy cũng đang sợ hãi… Khi nhìn lại, tôi đoán cậu ấy nghĩ rằng cách duy nhất để đối mặt với nỗi ám ảnh là giễu cợt, cười đùa nó.”
Bức ảnh cuối cùng Dennis chụp Jimmy trên chiếc quan tài là khi cậu ấy ngồi dậy, hai tay đặt trước ngực, ánh mắt thẫn thờ, lạc lối nhìn thẳng vào ống kính.
“Lúc ấy mọi sự như biến mất, duyên dáng, dễ thương, khéo léo,… không còn gì ngoài một chàng trai trẻ lạc lối, đang thẫn thờ không hiểu nổi mình vừa làm trò gì vậy. Chà, một khoảnh khắc đáng quý.”
James Dean về thăm trường trung học Fairmount.
Sau khi được gửi tới nhà cô chú sau sự ra đi của mẹ, Jimmy sống cùng hai người em họ, Joan, hơn bốn tuổi và một cậu em nữa sắp sinh là Marcus Jr. Hai anh em rất thân thiết với nhau, Jimmy thường xuyên đưa ra những lời khuyên cho em.
Năm 17 tuổi, James Dean lên thành phố tìm việc, anh thường viết thư về hỏi thăm gia đình, và cả cá nhân Markie (cách hai anh em gọi nhau). Bức thư dưới đây được anh gửi về, thể hiện sự không tán thành với những bức tranh mà Markie gửi tặng mình.
Chúng không được ghi rõ ngày, tháng, nhưng vào khoảng thời gian từ năm 1951-1953, có thể thấy rõ địa chỉ ghi trên bức thư, khách sạn Iroquois, New York, nơi Dean sống trong thời gian này.
“Gửi Marcus Jr.
Lời đầu tiên anh muốn cảm ơn vì những bức vẽ thật đẹp em đã gửi cho anh.
Nhưng anh cảm thấy như mình cần phải cảnh báo em một đôi điều. Bất kỳ ai cũng có thể vẽ n̶h̶ữ̶n̶g̶ ̶n̶g̶ư̶ờ̶i̶ ̶l̶í̶n̶h̶, súng ống, hàng rào thép bị khóa. Vì sao? Bởi những thứ như vậy có quá nhiều để chúng ta nhìn thấy. Điều đó không có nghĩa rằng chúng tốt đẹp để ta vẽ. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những vật như vậy trở nên quan trọng. Và điều đó thật tồi tệ. Em cần phải đề phòng và không cần thiết phải nhìn thấy những thứ như vậy và bởi em đang được sống trong một nơi thật tuyệt vời, được che chở bởi Chúa Lòng Lành.
Sẽ thật tuyệt hơn biết bao nếu em có thể sử dùng năng khiếu của mình vào những thứ nghệ thuật đáng quý hơn. Không phải ai cũng có thể vẽ được cây cối, mây trời, cừu, chó, đủ loại con vật, trái đất, ngọn đồi, đại dương, biển cả. Anh van xin em đừng vẽ những thứ ngục, tù* đó, vẽ lâu đài, sở thú chẳng phải tuyệt hơn hầm trú ẩn hay sao. Đ̶ừ̶n̶g̶ ̶c̶ó̶ ̶v̶ẽ̶ ̶đ̶á̶m̶ ̶n̶g̶ư̶ờ̶i̶ ̶t̶r̶o̶n̶g̶ ̶b̶ộ̶ ̶q̶u̶â̶n̶ ̶p̶h̶ụ̶c̶, t̶ố̶t̶ ̶h̶ơ̶n̶ ̶l̶à̶ hãy vẽ những con người tự do đi em. Đừng vẽ những thứ vật phá hoại như vậy, chúng không tốt chút nào + những họa sĩ thực thụ là phải vẽ những thứ tốt đẹp, nó thú vị hơn nhiều những tạo vật đáng sợ được con người tạo dựng nên. Ở nhà có nhiều thứ để vẽ lắm. Mọi thứ em cần làm là nhìn quanh thật kỹ và rồi em sẽ nhận ra. Chúng khó vẽ hơn bởi chúng khó phát triển hơn. Anh đã nhờ bố đọc cho em bức thư này.
Thân,
Jim”
Chú thích:
*Bức thư gốc của James Dean viết là “buildings of confindment”, anh đã viết sai chính tả, đáng lý phải là “buildings of confinement”.
Chúng ta thường thấy James Dean hay các vai diễn của anh là một cậu thanh niên ngang tàn, liều lĩnh, và đủ thứ trò kinh hãi khác mà không ai dám làm. Nhưng sâu bên trong, ta có thể thấy Jimmy dường như đang cố gắng che giấu nỗi ám ảnh của chính mình về bạo lực và chết chóc bằng cách lôi nó ra giễu cợt và cười đùa. Như ta thấy qua bức thư này, Jimmy viết theo góc nhìn trẻ thơ của cậu em họ Winslow, nên nhiều đoạn khá ngẫu hứng, nhưng vẫn có thể thấy được phần nào nỗi sợ hãi những thứ mà anh cho là độc hại kia sẽ ngấm ngầm ăn vào tính cách của em, thể hiện rõ nhất qua những gạch xóa liên tục trong bài nhằm giảm đi sự phẫn nộ và lo sợ của mình.
“Jimmy là một người khác hoàn toàn với “James Dean” - không còn là một kẻ nổi loạn nữa, mà là một chàng thanh niên ấm áp, biết quan tâm tới người khác, giỏi nghệ thuật. Nhưng đúng là chẳng ai ngờ một ngày anh ấy lại trở thành ngôi sao lớn như vậy.” Bác Marcus Winslow Jr, em họ của James Dean hồi tưởng.
“Đây là một trong những tấm ảnh được chụp bởi Dennis Stock, tháng Hai năm 1955, cho tạp chí LIFE; anh chụp Jimmy từ Hollywood về tới Fairmount này. Bố tôi ra đón Jimmy và Dennis ở ga, tôi nhớ hôm đó là buổi chiều, mẹ tôi nấu một bữa thật tối thật to đãi cả nhà. Tôi mới 11 tuổi. Với tôi, anh vẫn là Jimmy mà tôi biết, nhưng bố nghĩ rằng anh có chút bối rối. Khi anh nói lời chào tạm biệt chúng tôi, anh nói mình sẽ quay trở lại sau một vài tuần. Vậy nhưng, đó lại là lần cuối cùng tôi thấy anh.”
Dennis Stock:
“Vào những ngày cuối ở Fairmount, cả hai chúng tôi đều khá buồn. Tôi nghĩ chúng tôi đều ngầm hiểu rằng có lẽ cậu sẽ không bao giờ quay trở về nhà nữa, và cuộc sống của cậu ấy sẽ không bao giờ được yên bình ở đây như xưa nữa. Chuyến đi này thật sự đã đem lại quá nhiều hoài niệm, về cách chào tạm biệt quá khứ thân thương của cậu. Tôi không có ám chỉ rằng Jimmy biết trước rằng mình sắp chết, nhưng tôi thật sự tin rằng cậu ấy cảm nhận được rằng mình đang trên đường tới một cuộc sống hoàn toàn khác.”
Dennis Stock:
“Khi đã ở Hollywood, Jimmy vẫn cố gắng giữ những thói quen cũ, nhưng cân bằng giữa danh tiếng và đời sống cá nhân của mình, tính cách phức tạp của cậu ấy càng làm việc này trở nên khó khăn hơn. Trong lúc đang chuẩn bị ghi hình Rebel Without A Cause, bộ phim đầu tiên trong hợp đồng chín phim của Jimmy với Warner Brothers. Giờ thì qua cái thời chật vật chuyện cơm áo gạo tiền rồi, tiền bạc không còn là vấn đề lớn nữa, cậu ấy bắt đầu sắm cho mình những con xe đua xịn và nhanh hơn nữa.”
“Jimmy vẫn luôn thiếu ngủ, đêm này qua đêm khác cậu ấy thức khuya để lái xe lòng vòng, rượu bia với bạn bè tới thăm nhà. Nhưng bất kể có ngủ muộn tới mức nào đi nữa, sáng hôm sau cậu ấy vẫn luôn có mặt đúng giờ trên trường quay.”
“Sự nghiệp của James Dean ở Hollywood thật ngắn ngủi nhưng đáng nhớ. East of Eden công chiếu tháng Ba năm 1955. Rebel quay xong tháng Sáu. Ngay sau khi hoàn thành, Jimmy nhảy qua Giant, phim đóng máy ba tháng sau cùng năm. Ngay trước khi tháng Chín đi qua, Jimmy mất.”
________________________
Lược dịch từ những nguồn:
- That’s me in the picture: Marcus Winslow plays with his cousin, James Dean, at home in Fairmount, Indiana, 1955 đăng trên The Guardian
- James Dean: Press photographer Dennis Stock on how he came to know and love the doomed screen idol đăng trên Independent
- Lược dịch từ bức thư James Dean gửi Marcus Winslow Jr, trên Stars & Letters.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ