phân tích

PAPER MOON (1973): CÓ CHĂNG CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA THỜI THẾ SUY TÀN?

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of PAPER MOON (1973): CÓ CHĂNG CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA THỜI THẾ SUY TÀN?

Bước vào thập niên 70, kinh đô Hollywood chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ các nhà làm phim trẻ tuổi, với những tác phẩm mang đậm màu sắc chủ nghĩa hiện thực, phản ánh những biến động xã hội xứ cờ hoa, cùng nhiều yếu tố văn hoá đặc sắc đương thời. Giữa làn sóng từ những thước phim gai góc, tăm tối như The Godfather (1972), Chinatown (1974) hay Taxi Driver (1976), thì Paper Moon (1973) của Peter Bogdanovich lại tựa như một bài ca trong trẻo, đưa khán giả trở về với một miền cổ tích lãng mạn, thanh bình. Một bộ phim với sự pha trộn giữa chất drama và comedy, giữa lãng mạn và hiện thực, một câu chuyện cổ tích thân thương, bình dị làm lay động hồn người.

Paper Moon được dựa trên tiểu thuyết Addie Pray của Joe David Brown, lấy bối cảnh vào những năm 1930 của thế kỷ trước, khi nước Mỹ đang chìm trong cuộc Đại suy thoái. Có lẽ cũng bởi vậy mà Peter Bogdanovich đã phủ lên Paper Moon một bức màn độc hai màu trắng – đen, để lột tả trần trụi nhất bầu không khí ảm đạm của một thời thế suy tàn. Ngay từ những phút giây đầu tiên trên màn ảnh, người xem đã được trong thấy một con đường Kansas mịt mù đầy gió bụi, và đó có lẽ cũng là hình ảnh phản chiếu cho sự sống nghèo khổ, lầm than của những con người nơi đây. Thế nhưng, nếu chỉ mãi quanh co bên những con đường sỏi đá, bên bầu không khí u tối, ảm đạm, thì Paper Moon sẽ chẳng thể nào là một câu chuyện cổ tích huyền hoặc. Nét vẽ trong trẻo của Paper Moon chính là ở nhân vật cô bé mồ côi Addie Loggins (Tatum O’Neal). Trong đám tang của mẹ, Addie đã gặp Moses Pray (Ryan O’Neal) – một gã lừa đảo chuyên bán kinh thánh cho những người goá phụ. Không một ai rõ Moses và Addie có phải là cha con ruột thịt hay không, còn về phần Moses, gã hứa sẽ lái xe đưa Addie đến St. Joe để cô bé sống nương nhờ họ hàng. Từ đây, cả hai bắt đầu một chuyến hành trình bất đắc dĩ, dở khóc dở cười, khi những thói đời xấu xa, ranh mãnh của thế giới người lớn được phơi bày dưới con mắt hồn nhiên của trẻ thơ, khi một Moses chuyên lừa lọc lại “ngang tài ngang sức”, hay thậm chí ngờ nghệch trước một Addie tinh tướng, khôn lỏi. Trên chuyến hành trình ấy, có cả nước mắt lẫn cả nụ cười, có cả những đắng cay, tủi hổ xen lẫn tình yêu thương, cảm thông cùng những giấc mộng đời thường.

Có thể coi, phép màu của Paper Moon nằm chính ở chất hoài niệm. Giữa thời kỳ Hollywood Phục hưng, khi muôn vàn các nhà làm phim đã đi theo con đường cách tân nghệ thuật, thì Peter Bogdanovich lại chọn cách tri ân những nét đẹp lãng mạn của một thời xưa cũ. Ông đã tạo nên một bộ phim “mới” mà “cũ”, một chuyến đi ngược thời gian, trở về thuở thiếu niên khi Peter mê đắm những thước phim của Howard Hawks, John Ford và Orson Welles. Từng khung hình đen trắng của Paper Moon được làm nên như để về lại với một Hollywood thời vàng son, trong khi cái hồn của bộ phim, thì vừa thấm đẫm sự nên thơ, lãng mạn, vừa hoà quyện chất gai góc cùng tinh thần phản kháng của điện ảnh tân thời. Sự táo bạo ấy nằm ở cách xây dựng hình tượng nhân vật Addie, khi một cô bé 9 tuổi lại cắt mái đầu ngắn, mặc đồ tomboy, phì phèo châm điếu thuốc, học đòi theo những thói ranh mãnh của một tên lừa đảo. Addie rắn rỏi, khôn ngoan, nổi loạn, và khác xa với hình ảnh một cô bé mẫu mực của những năm 30. Còn Moses, dù là kẻ nắm trong lòng bàn tay bao mánh khoé lừa lọc, lại có những phần lương thiện, cao cả, lại có những lúc yếu lòng, ngờ nghệch, và ước ao về một tương lai tươi sáng. Chất hiện thực và lãng mạn cứ song hành như thế, hoà chung trong dòng chảy bất tận từ điện ảnh kỷ vàng son. Và qua Paper Moon, chúng ta như được thấy ẩn sau bức màn cổ tích ấy, là một cái tôi lãng mạn, đa cảm của Peter, là một trái tim hoài niệm, thiết tha với vẻ đẹp xưa cũ giữa xã hội tân thời.

Paper Moon là câu chuyện cảm động, bi hài giữa Addie và Moses – hai con người xa lạ bỗng nảy sinh sự khăng khít tựa như cha con ruột thịt. Ẩn sau sự tinh quái, ngổ ngáo của Addie chính là niềm mong mỏi tình yêu thương và một mái ấm gia đình. Mọi hành động của Addie, từ việc phối hợp cùng Moses diễn kịch để bán kinh thánh với giá “trên trời”, giấu tiền buôn rượu, khai gian với cảnh sát,… đều là cách cô bé thể hiện tình cảm của mình với Moses. Cũng bởi vậy mà Addie coi Trixie (Madeline Kahn) như một cái gai trong mắt, như cách mọi đứa trẻ đều bực bội khi cha mình dành hết sự quan tâm cho một người phụ nữ khác. Chính sự thiếu thốn tình thương và bất hạnh tuổi thơ đã định hình nên một Addie lập dị, nổi loạn của ngày hôm nay, và sự xuất hiện của một kẻ như Moses, lại là ánh sáng giữa cuộc đời ảm đạm của Addie. Và quả thực, sự trẻ thơ của Addie đã khơi dậy tình yêu thương, sự lương thiện cùng những giấc mơ đẹp đẽ của Moses. Những con người dẫu hoàn toàn xa lạ, nhưng trong những tháng ngày đó, họ chính là tri kỷ, là cha con ruột thịt.

“Hai diễn viên xuất chúng, không cắt cảnh, chỉ cần thật nhiều chuyển động ở phần nền. Việc này không hề làm xao nhãng người xem, mà nó đem đến cảm giác về một cuộc sống thường nhật. Nhờ vậy mà thước phim càng trở nên chân thật hơn. Đó là ý niệm của tôi về một cảnh phim mẫu mực” – Peter Bogdanovich chia sẻ. Bên cạnh đó, màn trình diễn xuất sắc của hai diễn viên chính Ryan O’Neal và Tatum O’Neal đã góp phần biến nào biến Paper Moon thành một tác phẩm đi vào lòng người. Sự lém lỉnh, đáng yêu và thơ ngây của cô bé Tatum O’Neal đã dường như làm lu mờ đi người cha của mình. Tatum dường như đã đưa người xem về những xúc cảm chân thành nhất của thời thơ bé, từ sự nổi loạn, quậy phá đến hồn nhiên, sự ngang bướng, dỗi hờn cho đến lòng mong mỏi tình yêu thương, thông cảm. Năm 1974, Tatum O’Neal trở thành diễn viên nhỏ tuổi nhất giành được tượng vàng Oscar danh giá.

Nếu như tác phẩm The Last Picture Show (1971) của Peter Bogdanovich là hiện thực về những kiếp người tàn, là sự héo mòn, u hoài và tuyệt vọng miên viễn, thì Paper Moon lại là giấc mơ êm đẹp, lạc quan giữa thời thế éo le, suy tàn. Trở về thập niên 30, Moses hay Addie đều là những con người bị giày vò trong cái nghèo đói, lầm than, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của thời kỳ khủng hoảng, mà phải đi theo con đường lừa lọc nhân gian cho đến khi những thói xấu xa ấy trở thành một phần của cuộc sống. Những phi vụ chạy trốn pháp luật, hay đặc biệt là phân đoạn tức tưởi khi Moses bị đánh đập và trấn lột sạch tiền, đều bóc trần sự thật đầy chua xót, đắng cay của cuộc sống. Nhưng khác với những cô cậu thanh thiếu niên trong The Last Picture Show đã không ngừng đuổi theo những dục vọng, ảo mộng phù phiếm, Moses và Addie đã tìm thấy ánh sáng nơi cuối con đường, tìm thấy những giá trị chân thật của cuộc sống. Chính tình yêu thương và sự cảm thông đã sưởi ấm những con tim lạc lối, và đem đến sức mạnh vượt lên bóng tối miên viễn, thê lương. Trong những phút giây cuối cùng của bộ phim, tôi đã bật khóc khi thấy hình ảnh Addie chạy đuổi theo Moses, vì Addie thực sự tin Moses là người cha của cuộc đời mình. Họ sẽ lại tiếp tục hành trình trên chiếc xe “cà tàng”, Moses sẽ mãi chở che cho Addie, và Addie sẽ trở thành thiên thần hộ mệnh của người cha thương mến.

“Say, it’s only a paper moon

Sailing over a cardboard sea

But it wouldn’t be make-believe

If you believe in me…”


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo