phân tích
LÁT CẮT VỀ THẾ GIỚI HEAVY METAL CUỐI THẬP KỶ 80
Người viết: Tâm Nguyên Abu
The Decline of Western Civilization (tạm dịch: Sự suy tàn của nền văn minh phương Tây) là loạt phim tài liệu gồm 3 phần, và cũng là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Penelope Spheeris (về sau còn được biết đến với Suburbia (1984) và Wayne’s World (1992)). Nếu như bối cảnh nhạc punk rock tại Los Angeles là đề tài cho phần phim tài liệu đầu tiên, thì phần II tác phẩm lại tập trung khắc hoạ về làn sóng heavy metal, cụ thể hơn là lối sống của các nghệ sĩ âm nhạc và sự thoái trào của glam metal vào những năm cuối thập niên 80. Bấm máy từ tháng 8 năm 1987 đến tháng 2 năm 1988, khán giả được theo chân Penelope đến “thành phố của những thiên thần” tráng lệ, phù hoa, đến câu lạc bộ Cathouse, đại lộ Sunset – nơi được mệnh danh là thánh địa ăn chơi trác táng của nhiều ban nhạc metal bấy giờ. Phần II của loạt The Decline of Western Civilization cũng lấy cảm hứng nhiều từ This is Spinal Tap (1984) – bộ rockumentary-giả-tài-liệu đình đám của đạo diễn Rob Reiner.
Ảnh trong phim This Is Spinal Tap (1984)
The Metal Years không mang một kịch bản cố định hoàn chỉnh, mà xuyên suốt bộ phim là sự chắp vá từ các đoạn phỏng vấn, footage âm nhạc của các nghệ sĩ heavy metal đương thời, từ nổi danh như Alice Cooper, Kiss, Ozzy Osbourne, Lemmy Kilmister, Megadeth, Aerosmith, Poison… cho tới những kẻ ít tiếng tăm hơn như Lizzy Borden, London, Faster Pussycat, Odin,…
Ozzy Osbourne
Alice Cooper
Gene Simmons - KISS
Steven Tyler - Aerosmith
Bobby Dall và Bret Michaels - Poison
“Nó hơn cả âm nhạc… Nó là cả một phong cách sống.”
“Tình dục, chất kích thích và rock n’ roll!”
Nhiều ý kiến cho rằng, The Metal Years là tác phẩm mang tính châm biếm với Chủ nghĩa Khoái lạc, lối sống ngạo ngược, bất cần của một bộ phận giới trẻ đương thời. Penelope Spheeris đã bóc trần những mặt tối của kinh đô L.A. hoa lệ cùng thế giới rock stars hào nhoáng: tiệc tùng thâu đêm, lạm dụng rượu, chất kích thích, mại dâm và đặc biệt là phân biệt giới tính (sexism). Phân cảnh gây tranh cãi nhất của bộ phim có lẽ là lúc Chris Holmes – guitarist của ban nhạc W.A.S.P nằm giữa bể bơi vừa trả lời phỏng vấn vừa nốc vodka một cách điên loạn trước sự chứng kiến của mẹ mình! Với cách khắc hoạ trần trụi và cái nhìn có phần tiêu cực, The Decline of Western Civilization Part II đã gián tiếp góp phần cho sự thoái trào của glam metal, trước khi nó bị huỷ diệt hoàn toàn bởi grunge vào đầu thập niên 90.
Lối sống sa đoạ của Chris Holmes - W.A.S.P.
The Metal Years đã đưa ra nhiều góc nhìn về rock n’ roll của nhiều ngôi sao bấy giờ. Ozzy Osbourne hồi tưởng về chặng đường với Black Sabbath những năm 70, chia sẻ những góc tối của danh vọng qua cuộc phỏng vấn, còn Lemmy Kilmister, khi được hỏi về cảm nghĩ trước cảnh nhiều nghệ sĩ trẻ cố đạo nhái phong cách của mình, đã trả lời: “Chúc họ may mắn. Có khi họ lại nghĩ ra cái gì đấy hay ho để tôi có thể đạo nhái lại.”. Bộ phim còn có đoạn footage In My Darkest Hour của Megadeth, và có thể thấy dù bấy giờ ban nhạc còn non trẻ, nhưng thủ lĩnh Dave Mustaine đã bộc lộ sự ngông nghênh, sắc sảo và tham vọng của mình.
“Bố già” Lemmy Kilmister - Motörhead
Thủ lĩnh Megadeth - Dave Mustaine
Ban nhạc Megadeth trình diễn ca khúc In My Darkest Hour
Bassist của Megadeth - David Ellefson
“Tôi yêu âm nhạc, nhưng hơn cả thế, tôi hứng thú với thái độ sống của con người.” – Penelope Spheeris chia sẻ. Là bức tranh về tiểu văn hoá, The Metal Years còn hướng góc nhìn tới những nghệ sĩ trẻ tuổi vô danh đang tìm kiếm hào quang trên mảnh đất L.A. hoa lệ. Họ được Penelope đặt những câu hỏi đơn giản và có khi suồng sã, cốt để tạo điều kiện bộc bạch về đam mê với âm nhạc, những tham vọng, hoài bão và vài mẩu chuyện điên rồ của họ trong cuộc sống. Phần lớn họ được khắc hoạ là những thanh niên mơ mộng, phóng túng, bất cần của xã hội.
“Tôi quyết định tận hiến cả cuộc đời mình cho rock “n” roll.”
“Tôi muốn trở nên cực kì giàu có. Tôi muốn được người ta nhớ đến trong suốt phần đời còn lại của mình, của con cái, cháu chắt mình!”
“Tôi không muốn giống như Jim Morrison, nhưng tôi muốn đi vào lịch sử như vậy.”
Và khi được hỏi họ sẽ ra sao nếu như ước mơ không thành hiện thực, tất cả đều rơi vào trạng thái lặng tờ, rồi bày tỏ rằng họ “không thể mường tượng ra khung cảnh ấy”, “không hề có kế hoạch dự phòng nào cho bản thân”: “Điều ấy sẽ không xảy ra! Nhất định tôi sẽ trở thành một ngôi sao nhạc rock!”, “Vào giây phút bạn hoài nghi về bản thân, bạn sẽ thất bại!”. Một vài người cho hay họ sẽ tự sát nếu ước mơ không thành hiện thực. Cảnh phim ắt hẳn để lại nhiều dư vị cùng những băn khoăn còn bỏ ngỏ. Không gì là tồn tại vĩnh viễn, kể cả Metal Years. Một thập niên huy hoàng sắp khép lại, glam metal dần suy tàn, có những ước mơ viển vông của nhiều con người trẻ tuổi bị dập tắt. Ozzy Osbourne, Lemmy Kilmister, Alice Cooper hay Megadeth là những kẻ sống sót và tiếp tục bước đi trên con đường danh vọng. Gần ba thập kỷ đã trôi qua, The Metal Years của Penelope Spheeris vẫn là thước phim kỳ thú và đầy hoài niệm về trào lưu văn hoá vang bóng một thời.
___________________
Bài viết có tham khảo và lược dịch từ:
• The Legacy of ‘The Decline of Western Civilization Part II: The Metal Years,’ 30 Years Later của Film School Reject
• THE KIDS ARE NOT ALRIGHT IN ‘THE DECLINE OF WESTERN CIVILIZATION COLLECTION’ của POP MATTERS
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ