phim Việt Nam
BÊN TRONG VỎ KÉN VÀNG: CÒN NƠI NÀO ĐỂ BẤU VÍU
Người viết: Chié
Với những cảnh quay dài chậm rãi, những âm thanh xung đột lúc thấp lúc cao, đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đưa người xem đi cùng với Thiện, đến Lâm Đồng, đưa linh cữu người thân về với Chúa. 3 tiếng dài đằng đẵng trôi qua, một cá nhân có thể hoàn toàn thoát khỏi lớp kén đã bao bọc anh ta trong suốt nhiều năm? Những câu hỏi về đức tin liệu chăng có được giải mã?
Xuyên suốt hành trình đắm chìm trong những tiếng còi xe đô thị, những ồn ã của phố phường, rồi lại dần đi đến những cung đường vắng vẻ đầy sương. Có thể thấy, tình cảm của đạo diễn Phạm Thiên Ân dành cho Việt Nam là rất lớn, rất thiêng liêng. Việt Nam hiện hữu trong phim như một bức hoạ, một mảnh đất còn quá nhiều điều cần khai thác, chất chứa một khoảng linh hồn người.
Khi khoa học hiện hữu, trở thành lời giải đáp cho rất nhiều câu hỏi của nhân loại. Thì ta lại có đức tin, trở thành nơi duy nhất đủ rộng mở để cho ta những câu trả lời mà khoa học không thể giải đáp. Cũng như Thiện, khi đang trên hành trình đi tìm cho mình câu trả lời cho mục đích sống, anh cũng dần nhìn nhận về hiện tại - quá khứ - tương lai, dần dần nhận ra mình cũng là một cá thể đang vật lộn trong chính cái kén của mình, luôn khát khao được phá vỡ, thoát mình ra khỏi sự tù túng của xã hội. Nhưng muốn thoát ra đâu phải là dễ, khi mọi thứ không còn dễ dàng, những bỡ ngỡ không thể được giải đáp, Thiện tìm đến đức tin, về với Chúa.
Có không ít đạo diễn đem quê hương ra làm phương pháp tư duy, đó là tình yêu, là sự tình, là nhân sinh, thế thái quy về một chỗ. Khi đi càng xa, trái tim họ lại càng hướng về quê nhà. Có lẽ Phạm Thiên Ân cũng vậy, Việt Nam là phương pháp tư duy của anh, hướng máy quay đến nơi đây là để thể hiện sự trung thành với quê hương, cũng chính là để thể hiện sự trung thành với chính mình. Tuy vậy, đằng sau những cảnh quay Việt Nam chứa nhiều nỗi niềm nhung nhớ, thì đối với tôi, nơi này vẫn còn đôi nét lạ. Có lẽ, đây chính là Việt Nam mà tôi được thấy dưới con mắt của chính đạo diễn, của người làm nghệ thuật theo bản ngã của anh ta, chứ không phải Việt Nam mà tôi thân thuộc giấu mình trong mọi nẻo đường suốt nhiều năm tháng của tuổi thơ. Đạo diễn Giả Chương Kha cũng đã từng chia sẻ, “điện ảnh là nhãn quan của một tập thể, và cũng là sự tập hợp của nghệ thuật”. Có lẽ, tôi thuộc tập thể phần đông ngoài kia, Việt Nam trong phim đẹp đến ngỡ ngàng, nhưng chưa chạm được đáy trái tim tôi. Khi nhìn nhận dưới con mắt của người cảm thụ nghệ thuật (không chuyên, tự học, nghiệp dư) thì như vậy là đủ, đủ để kiềm nén một con người, đủ để giải thoát, dẫn lối cho một cá nhân trên hình trình giác ngộ tâm linh.
Dạo này cũng hay đọc những dòng chia sẻ về bộ phim, nhiều cá nhân cho hay, “đây không phải là bộ phim dành cho người bình thường”. Thú thật, tôi là người bình thường, còn trẻ lắm quý vị à, chưa trải đời được bao nhiêu lâu đâu. Thế nên hỏi tôi rằng tôi có hiểu bộ phim này hay không, thì tôi xin thưa rằng tôi không hiểu. Nhưng tôi không cho rằng đây là một bộ phim vô lý đến nỗi “không dành cho người bình thường”. Trong một đoạn phỏng vấn tôi đã dịch của Thái Minh Lượng, ông chia sẻ:
“Tôi nghĩ rằng cuộc sống luôn có một khía cạnh nào đó vô lý, chúng ta cũng thường hay làm những điều vô lý. Ví dụ như mấy cái liên hoan phim có nhiều cái vô lý lắm, mà chúng ta vẫn cứ làm và trông chờ vào nó hằng năm trời đấy [Cười]. Thật ra thì khi tôi càng làm phim sát với thực tế, thì trông nó sẽ càng vô lý hơn. Cách con người hành xử trong cuộc sống cũng nhiều lúc buồn cười lắm, đó là lý do tại sao nhiều người lại bật cười khi xem phim của tôi, đó cũng bởi vì họ là những con người của thực tế mà, họ cười vì họ thấy được sự vô lý được lột tả trong từng thước phim. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời vô lý bởi vì chúng ta cứ hành xử theo cái lối vô lý ấy”.
Có lẽ tôi không hiểu được phim, là bởi vì tôi vô lý, tôi mới là người không bình thường, nhưng tôi tự cho rằng mình bình thường vì tôi hành xử gần giống như phần đông những cá thể ở xung quanh tôi, những con người được xem là bình thường trong xã hội. Chính bản thân tôi cũng đang nhốt mình trong một cái “kén”, có vùng vẫy bao nhiêu tôi cũng không thoát ra được. Thế nên tôi chọn ở lại nơi này, trong cái “kén” ấy để tìm kiếm niềm vui. Tôi không chọn sống như Thiện vì cuộc sống của tôi đủ bình yên. Tôi cũng bấu víu vào đức tin khi lạc lối nhưng các Ngài lại dạy bảo tôi nhìn nhận câu hỏi tại trái tim mình. 3 tiếng không quá dài cũng không quá ngắn so với một bộ phim thuộc điện ảnh chậm, nhưng có lẽ nó vẫn không đủ để ôm trọn những nỗi niềm chất chứa của nhà làm phim. Thế nên tôi không hiểu phim gì cả, tôi không hiểu được, tôi chỉ có thể cảm thụ bằng những giác quan có thể, chứ tôi cũng không cố gắng hiểu, thấu cảm hay đào sâu làm gì, vì căn bản là tôi không thể. Thông điệp hiện hữu, tôi chỉ có thể suy nghĩ về nó rồi chiêm nghiệm, chứ tôi không hiểu được, cũng không có câu trả lời.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ