trào lưu phim

THỰC TRẠNG NỀN PHIM ĐỘC LẬP CỦA TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC

Người viết: Wang Bing (Ette dịch)

img of THỰC TRẠNG NỀN PHIM ĐỘC LẬP CỦA TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC

Khi bộ phim độc lập đầu tiên của Trung Quốc đại lục xuất hiện 3 thập kỉ trước, chúng đã dần trở thành lựa chọn cho nhiều nhà làm phim trẻ của Trung Quốc. Lượng lớn phim độc lập được làm ra bấy giờ cũng đã giúp mở rộng sự đa dạng trong hệ sinh thái sáng tạo bằng cách bẻ cong những hạn chế của nền điện ảnh quốc hữu một màu trước kia. Những dấu hiệu phát triển tích cực này đã cho nhiều nhà làm phim niềm tin và sự phấn chấn vào tương lại của điện ảnh Trung Hoa.

Có ba nhân tố ảnh hưởng đến những bộ phim độc lập ở Trung Quốc. Thứ nhất đó là yếu tố chính trị. Chính quyền Trung Quốc Đại Lục kiểm soát nghiêm ngặt những vấn đề tư tưởng trên phim: bất kì bộ phim nào không được cục kiểm duyệt của chính phủ thông qua đều được coi là bất hợp pháp. Không quan trọng việc nó được quay ở đâu, những cơ quan chính quyền địa phương đều có thể cho lệnh dẹp bỏ hoạt động quay phim của đoàn. Sau khi hoàn thành, những bộ phim độc lập không thể được phát hành hay truyền bá ở Trung Quốc, đạo diễn cùng đoàn phim có thể chịu nhiều mức độ phạt hành chính hay hình sự khác nhau.

Tư tưởng chính trị của pháp quyền trực tiếp can thiệp vào quá trình sáng tạo của những nhà làm phim bằng cách không cho họ quyền tự do suy luận. Bởi tất cả những đề tài, nội dung, và nhân vật trên phim đều phải được thích nghi vào một quy chuẩn tư tưởng nào đó. Bộ phim mà cuối cùng qua được sự kiểm duyệt đã hoàn toàn không còn là bộ phim trong tầm nhìn ban đầu của người đạo diễn nữa. Tuy với mong muốn làm phim độc lập, nhiều đạo diễn Trung Hoa đã phải từ bỏ dự định này bởi những sức ép chính trị. Chính phủ đã sử dụng vô số biện pháp - từ việc dụ dỗ họ với doanh số phòng vé nội địa lớn cho đến sự răn đe mang tính pháp lý - tất cả nhằm xoá sổ các hoạt động sản xuất của phim độc lập.

Kể từ năm 2000 trở đi, sự xuất hiện của những liên hoan phim được độc lập khởi xứng đã đóng vai trò lớn trong sự phát triển và phổ biến hoá những bộ phim độc lập của Trung Hoa. Một số liên hoan phim như Yunnan Multi-Culture Visual Festival (Yunfest), Nanjing China Independent Film Festival (CIFF), và Beijing Independent Film Festival (BIFF) đã gặt hái được nhiều thành công trong thập niên qua cho đến khi chính quyền đã, bằng nhiều mưu sách, tìm cách để dừng tất cả hoạt động của chúng lại.

Yếu tố thứ hai là tài chính. Để hoàn thành một bộ phim cần có những khoản vốn đầu tư, và chính quyền Trung Quốc đại lục đã ban hành những yêu sách nhằm trừng phạt những tập đoàn và cá thể đầu tư vào phim độc lập. Kể từ năm 2004, việc tìm vốn đầu tư nội địa đã là một thử thách lớn đối với những nhà làm phim độc lập. Vì doanh thu phòng vé những phim được làm ra “trong hệ thống chính quyền” đều được khai báo là rất cao, thế nên những nguồn đầu tư vào phim độc lập kinh phí thấp đã đều được đổ qua làm những bộ phim trong hệ thống chính quyền ấy, và nhiều những nhà làm phim độc lập trước đây nay đã bị hệ thống ấy thâu tóm.

Khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển mạnh và nguồn vốn tư nhân còn dồi dào thì các nhà làm phim khi ấy vẫn tìm được những nhà đầu tư nhỏ lẽ yêu thích phim độc lập, chịu góp những khoản vốn nhỏ để hỗ trợ cho những bộ phim độc lập kinh phí thấp. Thế nhưng trước những quy định ngày một hà khắc hơn của chính quyền trong việc đầu tư và làm phim, những bộ phim độc lập không thể được chiếu tại rạp Trung Quốc, điều cũng có nghĩa là chúng cũng không có hy vọng hoàn vốn sản xuất hay thậm chí là thu lại bất kì đồng nào tại phòng vé. Vì những lý do này, nguồn vốn cho phim độc lập đang ngày một cạn kiệt.

Từ đầu thập niên 90, nhiều nhà làm phim Trung Hoa đã chọn làm phim độc lập, nhưng sự khan hiếm của nguồn vốn đầu tư cũng như việc thiếu đi sự chống đỡ của thị trường phim nội địa đang khiến cho số lượng những nhà làm phim độc lập cũng ngày càng thưa dần. Cái kết của kỷ nguyên phim độc lập Trung Hoa đang dần cận kề.

Yếu tố thứ ba là tư duy thẩm mĩ trong điện ảnh. Khi phim ảnh lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc, ta coi nó như một vật mua vui, một món đồ chơi. Về sau phim ảnh dần phát triển để trở thành một hình thức giải trí hay tuyên truyền chính trị. Điện ảnh là nghệ thuật không có chỗ trong lòng khán giả Trung Hoa đi xem rạp thông thường bởi nó trước nay vẫn được dùng như một công cụ chính trị, một cách để “giáo dục người dân.” Khán giả được tiếp xúc đến những loại hình tuyên truyền suốt nhiều thập kỉ- đến mức chóng mặt- đã hình thành một tư duy cố định trong cách tiếp cận với điện ảnh. Và những hình thức thẫm mĩ của những người làm phim trong hệ thống chính quyền Trung Quốc đại lục cũng tương tự được dựa trên lịch sử điện ảnh của chính hệ thống ấy.

Với sự xuất hiện của những bộ phim độc lập đề cao tính chân thật cùng tinh thần sáng tạo cá nhân, việc tồn tại những mâu thuẫn giữa “tư duy thẩm mỹ phim độc lập” và “tư duy thẩm mỹ phim chính thống” dường như là điều hiển nhiên. Vào thời điểm đó giới đại chúng Trung Hoa đã gặp nhiều khó khăn để chấp nhận được tính mỹ thuật trong phim độc lập này. Thế nhưng trong suốt ba thập niên với những nỗ lực và phát triển liên tục đã sản xuất ra được một số lượng lớn những bộ phim độc lập, nhiều trong số chúng vô cùng ấn tượng và với tính thẩm mỹ chinh phục được sự chấp thuận của rộng rãi xã hội Trung Hoa. Tuy đã có được một số ảnh hưởng lên tính thẩm mỹ chính thống, thế nhưng trước rào cản chính trị, tất cả những bộ phim độc lập này vẫn đều đang được cho là sản xuất “bất hợp pháp.”

Để lấp đầy khoảng trống trong thị trường phim nội địa, nền công nghiệp điện ảnh chuyên chế này đã đầu tư một khoản tiền lớn để làm ra đều đặn những tác phẩm “rác” mà đến những khán giả Trung Hoa thông thường cũng phải khinh bỉ.

Ba điểm trên tóm tắt nhận định chung của tôi về thực trạng của phim độc lập ở Trung Quốc đại lục hiện nay.

Hầu hết phim của tôi đều là phim tài liệu. Tại sao tôi lại làm phim tài liệu? Lý do chính là bởi vì kinh phí làm phim tài thấp đến mức chỉ cần đến một khoảng vốn nhỏ để vừa đủ hoàn thành. Phim tài liệu cần ít ê kíp hơn là phim truyện, không cần đến diễn viên hay những trường quay cố định, cùng nhiều sự tự do hơn trong quá trình quay hơn, điều dường nhưng là cần thiết khi ghi hình trong môi trường chính quyền kiểm soát hà khắc.

Phim tài liệu là một sự ghi nhận lại trực diện cuộc sống của những con người bình thường, và sự trực diện này là điều làm tôi bị cuốn hút bởi nó cũng như khiến nó trở thành thể loại phim yêu thích nhất của tôi. Câu truyện của những cá thể trên phim luôn là những câu hỏi mở, ta không biết bất kì điều gì về họ và bộ phim diễn ra cùng lúc với cuộc sống của họ. Cá thể và chiếc máy quay tồn tại song song cùng nhau ngoài đời thực, cho phép tính tự sự của bộ phim được phát triển một cách tự nhiên mà không có rào cản nhân tạo nào.

Ảnh từ phim Youth (Spring) - (2023)


________________


(Chuyển ngữ từ bài viết của tạp chí Sabzian trong series “The State of Cinema” thường niên được đăng vào ngày 21.12.2022 theo bản dịch thuật tiếng Anh của Cindy Carter)


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo