phân tích

EASY RIDER (1969) – BORN TO BE WILD

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of EASY RIDER (1969) – BORN TO BE WILD

“Bọn chúng không sợ các anh. Bọn chúng sợ hãi trước thứ mà các anh đại diện. Điều mà các anh biểu trưng cho chúng thấy, chính là sự tự do.”

Ra mắt vào cuối thập kỷ 60, Easy Rider đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt mạnh mẽ tại xứ cờ hoa. Chắp bút bởi “tay chơi nổi loạn” Peter Fonda, Dennis Hopper cùng Terry Southern, bộ phim đã phơi bày theo cách trần trụi nhất về một xã hội Mỹ rối ren đương thời, với sự trỗi dậy của phong trào hippie, với cái bất an ngấm ngầm chảy trong nhịp sống của người dân cùng lối sống lang bạt, sự nổi loạn, bất cần của thế hệ trẻ. Cho đến ngày hôm nay, Easy Rider vẫn được coi là một tượng đài phản văn hoá bất hủ mang tính bước ngoặt. Cùng với The Graduate (1967) và Bonnie and Clyde (1967), Easy Rider đã trở thành kẻ tiên phong cho “Làn sóng Mới của Hollywood” vào đầu thập niên 70 thế kỷ XX.

Lời đề từ trên áp phích của Easy Rider đã phần nào khắc hoạ tinh thần chủ đạo của bộ phim nói riêng, và của cả xã hội Mỹ đương thời nói chung: “Một kẻ rong ruổi đi tìm nước Mỹ, nhưng tìm hoài chẳng thấy đâu” – một thời của lạc lối, bất tuân và phiêu bạt. Bộ phim theo chân hai gã buôn ma tuý Wyatt (Peter Fonda) và Billy (Dennis Hopper) rong ruổi khắp đất Mỹ trên chiếc mô tô Harley Davidson. Thật không sai khi nói, bộ mặt của xứ cờ hoa đã bị lột trần một cách hoàn mỹ trên chuyến phiêu du của hai gã tay chơi ngạo nghễ, ngang tàng. Wyatt, hay còn có danh xưng là Captain America, cùng Billy, là biểu tượng của những kẻ ngao du kiếm tìm tự do sống ngoài vòng pháp luật, của những người trẻ tuổi tách mình khỏi guồng quay chung với tinh thần phản kháng mạnh mẽ trước xã hội đương thời. Mỉa mai thay, khi chính tựa đề bộ phim, Easy Rider, là một từ tiếng lóng chỉ những gã sống chung với gái mại dâm, mà theo Peter Fonda giải thích: “Đó là điều đã xảy ra với nước Mỹ. Quyền tự do trở thành một con điếm, và cả đất Mỹ đều muốn trở thành thằng nuôi gái bao!”

Trong phân đoạn credit đầu tiên của Easy Rider, khán giả được trông thấy Wyatt và Billy lái chiếc mô tô Harley Davidson đi khắp đất nước trên nền nhạc Born to Be Wild của ban nhạc Steppenwolf. Không sai khi nói, bài hát Born to be Wild dường như được sinh ra để dành cho một phim như Easy Rider, và chỉ có ca từ của Born to be Wild, mới khắc hoạ được vẹn toàn cái chất ngông của tác phẩm phản văn hoá cuối thập niên 60 này:

“Get your motor runnin’

Head out on the highway

Looking for adventure

In whatever comes our way…”

“Chúng tôi đều có ý tưởng sẽ để nhạc rock làm soundtrack cho bộ phim này.” - Peter Fonda hồi tưởng lại. Bên cạnh Born to Be Wild của Steppenwolf, Easy Rider còn sử dụng các bài hát của The Byrds, The Jimi Hendrix Experience, The Band và Bob Dylan. “Thật thú vị khi xem cách mà những ca khúc ấy phản ánh từng tiến trình của bộ phim.” – nhà báo Steve Hochman chia sẻ, “Chúng khắc hoạ và điểm tô những gì mà ta được chiêm ngưỡng. Những bài hát dường như có cả một câu chuyện ẩn sau, nhờ có bộ phim mà ra.” Âm nhạc là yếu tố quan trọng biến Easy Rider thành một tác phẩm mang tinh thần của thời đại bấy giờ. Easy Rider cũng là một trong những kẻ tiên phong trong việc sử dụng lượng lớn nhạc rock xuyên suốt chiều dài bộ phim, bên cạnh The Gradute (1967). Thú vị hơn, ca khúc Born to Be Wild dùng trong phim, cũng là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của cụm từ “heavy metal” trong phần lyrics, trước khi nó trở thành một thể loại nhạc rock về sau này:

“I like smoke and lightnin’

Heavy metal thunder…”

Ngang tàng, ngạo nghễ, Born to Be Wild đã trở thành “khúc thánh ca” của rock n’ roll và những kẻ nổi loại phiêu du trên chặng đường đời. “Bài hát được dùng trong quá nhiều bộ phim, sau 60 lần, tụi tôi đã dừng đếm.” – John Kay, giọng ca của Steppenwolf chia sẻ.

Mặc cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hoá đại chúng, nhiều khán giả cho rằng kịch bản Easy Rider khá…ẩu và chắp vá. Quả thực, khi bấm máy, chỉ có phần outline của kịch bản và tên các nhân vật là được viết ra giấy. Hầu hết các đoạn hội thoại trong phim cũng được “ứng biến” tuỳ thích. Điều này vô hình chung lại khiến tác phẩm phản văn hoá ấy trở nên chân thật đến trần trụi. Chất kích thích được sử dụng thật trong quá trình quay phim, và các diễn viên cũng được thoải mái “chơi đồ” trên phim trường. Phong cách quay phim đặc trưng của Easy Rider – những cú dựng nhảy, time shift, hồi tưởng, rung máy quay,… khiến khán giả không khỏi mường tượng đến một trải nghiệm ảo giác.

“Tôi muốn chết trên yên xe. Tôi thích viết kịch bản, sản xuất, diễn xuất và đạo diễn. Tôi muốn ở trường quay và chết trong lúc nghe người ta thắc mắc: ‘Peter ở đâu vậy?’” - Peter Fonda dường như đã sinh ra để nổi loạn. Easy Rider là chuyến đi kiếm tìm tự do, kiếm tìm sự giải thoát và cứu rỗi linh hồn. Một hiện thực xã hội rối ren, một thế hệ mông lung, trống rỗng, vô vọng, cùng những định kiến ăn sâu vào tiềm thức – Easy Rider chính là lát cắt không thể trần trụi, gai góc hơn về thập niên 60 – 70 xưa cũ. Cho đến những phút giây cuối cùng của bộ phim, chúng ta sẽ tự hỏi, liệu thứ tự do, hay “nước Mỹ” mà Wyatt, Billy hằng theo đuổi, kiếm tìm có thực sự tồn tại, và sự giải thoát liệu nằm ở nơi đâu trên thế gian này…

___________________

Bài viết có tham khảo và lược dịch từ:

• The Guardian - How we made Steppenwolf’s Born to Be Wild

• Little White Lies - Born to be Wild: The defiant, laid-back legacy of Easy Rider

• The Hollywood Reporter - “Tell Me We Haven’t Blown It”: Peter Fonda Reflects on ‘Easy Rider’ and Its Unanswered Question


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo