phân tích
TRẦN XUNG: MỘT NGÔI SAO ĐIỆN ẢNH “KỲ LẠ” CỦA HOLLYWOOD
Người viết: David Canfield (Giorgio dịch)
Nữ diễn viên kỳ cựu người Mỹ gốc Hoa Trần Xung (tên tiếng Anh: Joan Chen) đã từng hợp tác với những đạo diễn tên tuổi như Bernardo Bertolucci, David Lynch và Lý An, đồng thời duy trì một sự nghiệp lẫy lừng ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với bộ phim mới sắp tới “Dìdi”, cánh cửa đến với tượng vàng Oscar sẽ lần đầu rộng mở với Trần Xung. Điều gì đã khiến bà mất hàng chục năm để được công nhận vậy?
Con gái của Trần Xung muốn bà tập làm quen việc tương tác với truyền thông. “Con nghĩ mẹ đang phục hưng trở lại”, cô nói với mẹ mình gần đây, “nhưng con không nghĩ mẹ biết cách thực hiện nó đâu”. Hai mẹ con đang nói về những ngày tháng sắp tới cho quá trình quảng bá phim tại Hollywood. Vai diễn của Trần Xung trong bộ phim mới nhất “Dìdi” vừa nhận được nhiều lời khen từ các nhà phê bình. “Dìdi” đã giành giải thưởng của Khán giả tại LHP Sundance và sẽ được ra mắt tại một số rạp. Màn trình diễn của Trần Xung được các nhà phê bình đánh giá bà sẽ là ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar sắp tới. Những lời tri ân và lời mời bắt đầu đổ về. “Thật kỳ lạ”, Trần Xung nói. “Tôi không hình dung được mọi người sẽ nói về hay thậm chí quan tâm đến sự nghiệp của tôi bằng cách nào nữa”.
Thành thật mà nói, Trần Xung chưa được đào tạo về cách tương tác với giới truyền thông. Bà thậm chí còn không biết người ta đào tạo cái đó ở đâu. Nhưng người phụ nữ gốc Thượng Hải 63 tuổi này dường như chả cần nó. “Bà ấy luôn toát lên vẻ thanh lịch và giản dị”, đạo diễn của “Dìdi”, Sean Wang, cho biết.
Năm 1980, khi còn ở tuổi thiếu nữ, Trần Xung đã giành được giải thưởng tương đương với giải Oscar dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Trung Quốc và nhanh chóng nổi danh ngay tại quê nhà. Đến năm 26 tuổi, bà đã vào vai nữ chính trong bộ phim đoạt giải Oscar “Hoàng đế cuối cùng” và đóng vai chính trong loạt phim truyền đoạt giải Emmy “Twin Peaks” của David Lynch. Năm 37 tuổi, Trần Xung đã đạo diễn bộ phim đầu tay “Thiên Dục” (tựa tiếng Anh: “Xiu Xiu: The Sent Down Girl”) được giới phê bình đánh giá cao và một bộ phim lãng mạn “Autumn in New York” với kinh phí 65 triệu đô la của hãng MGM, có sự tham gia của Richard Gere và Winona Ryder.
Thế nhưng tại Mỹ, Trần Xung đã không được chú ý đến trong nhiều thập kỷ. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, bà chỉ được chọn đóng một số vai diễn nhỏ lẻ, một thực tế phũ phàng đối với bất kỳ diễn viên gốc Á nào cùng thời với bà. Trái ngược với khi ở Mỹ bà được mời vào nhiều vai diễn hơn tại quê nhà. Một thực tế vừa huy hoàng và cũng vừa phũ phàng. Tại bữa trà ở Beverly Hills, Trần Xung mang theo vẻ quyến rũ và vị thế của một ngôi sao kỳ cựu, cũng như sự thoải mái và vui tươi của một diễn viên, người chưa bao giờ có cơ hội coi mọi thứ mình đạt được là điều hiển nhiên.
Những bộ phim đầu tiên của Trần Xung trên màn ảnh đã khẳng định bà là một ngôi sao điện ảnh thực thụ, một diễn viên đầy quyến rũ và mê hoặc trong mọi khung hình. Lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Thượng Hải những năm 60 và 70, Trần Xung đã tránh được chính sách Phong trào Tiến về Nông thôn của Mao Trạch Đông, buộc hầu hết bạn bè của bà phải chuyển đến một vùng nông thôn xa xôi. Lúc đó, Trần Xung nghỉ học để gia nhập Hãng phim Thượng Hải khi mới 14 tuổi. Bà đã ra mắt trong một bộ phim có tên “Thanh xuân” (1977) trước khi khiến khán giả kinh ngạc với vai diễn một thiếu nữ bị bỏ rơi trong phim “Hải Ngoại Xích Tử” (1979), giúp bà giành giải thưởng Bách Hoa cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Trần Xung ngay lập tức trở nên nổi tiếng trong chớp mắt: “Mọi người luôn bắt gặp tôi trên một con phố ở bất kỳ, rồi sẽ có hàng nghìn người ngã xuống và tự làm mình bị thương, chen chúc về phía tôi. Xe đạp của họ đều bị giẫm lên nhau và tôi sợ sẽ không thoát ra được”, bà chia sẻ với tờ The New York Times vào năm 1999. “Điều đó khiến tôi vô cùng khiếp sợ”.
Khi chuyển đến California năm 20 tuổi, Trần Xung chẳng mong đợi điều gì. Bà làm việc tại một nhà hàng, học điện ảnh tại Đại học bang California ở khu dân cư Northridge và sẵn sàng nhận lời mời cho mọi vai diễn. Một trong những cuộc gặp đầu tiên của bà ở Los Angeles là với một nhà làm phim người Đài Loan đầy tham vọng lúc đó, tên là Lý An, người vừa mới tốt nghiệp Đại học New York và hy vọng sẽ chọn bà vào vai nữ chính trong bộ phim “Hỷ yến” (1993). Lý An cảm thấy như ông đang tự giới thiệu bản thân mình với “ngôi sao lớn nhất của nền điện ảnh Trung Quốc vào thời điểm đó”, nhưng Trần Xung nhớ lại rằng bà đã lấy làm lạ: “Căn bản thì, tôi như vừa mới ‘bước xuống khỏi thuyền từ Trung Quốc đến đây’…. Tôi không xem đó là một cuộc gặp gỡ”. Dự án cuối cùng đã bị trì hoãn trong nhiều năm, “Dự án phim quá mang tính Trung Hoa để được các hãng phim đầu tư ở Mỹ, cũng như mang yếu tố đồng tính không phù hợp để xin các hãng phim đầu tư ở Đài Loan thời điểm đó”, Lý An chia sẻ. Sau này, Lý An và Trần Xung đã hợp tác với nhau trong phim “Sắc, giới” (2007).
Trần Xung giờ đây vui vẻ thừa nhận rằng thời điểm đó, bà không biết mình phải làm gì. Khi một người bạn cùng lớp gợi ý bà nên tìm một người đại diện, bà đã hỏi “người đại diện là gì?”. Trần Xung đã chọn Bessie Loo Agency, nơi mà bà nghe nói đại diện cho “mọi diễn viên ở châu Á”. Bà đã đi xe buýt đến văn phòng của họ, một nơi trống rỗng ngoại trừ một thư ký và một người đại diện tên là Guy Lee. Sau khi ký hợp đồng, ông Lee nói rằng bà ấy cần một bức ảnh chân dung quyến rũ hơn (một ví dụ mà ông ấy đưa cho bà: “rất giống Anna May Wong”). Lee đã bật cười khi đọc giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trên sơ yếu lý lịch của Trần Xung, cho rằng bà ấy đã bịa ra. “Anh ấy nhìn tôi và anh ấy không nghĩ tôi giống người Trung Quốc chút nào!”, Trần Xung chia sẻ. “Nhưng tôi đã lường trước được việc không được đối xử bình đẳng”.
Bộ phim Hollywood đầu tiên của Trần Xung, “Tai-Pan”, lấy bối cảnh ở Hồng Kông, bị chỉ trích khắp nơi vì những khuôn mẫu phản cảm. Bộ phim cũng khiến chính phủ Trung Quốc tức giận. “Tôi đã bị tẩy chay - mọi người đối xử với tôi như thể, ‘Ồ, cô đã phản bội Trung Quốc, cô là kẻ phản bội’”, Trần Xung nói. Bà vào vai một người vợ lẽ trong bộ phim đó, và cả trong quá trình thực hiện bộ phim cũng như trong những cuộc gặp mặt báo chí sau đó, bà không hề cảm thấy dễ chịu. “Tôi đã cố gắng thể hiện những gì tốt nhất có thể, vì mọi thứ đều chỉ là sự bắt chước”, bà nói. “Điều đó hơi vô lý, nhưng… Tôi đã không biết cách phàn nàn cho đến khi tôi gặp nhiều diễn viên người Mỹ gốc Á khác. Lúc đó tôi mới cảm thấy, ‘Đây chính là cảm giác của một người ngoại quốc khi ở Mỹ.’”
Vai diễn đột phá của bà đến vài năm sau trong “Hoàng đế cuối cùng”, bộ phim sau đó đã giành giải Oscar cho Phim hay nhất. Từ lâu, Trần Xung đã dành sự ngưỡng mộ cho đạo diễn Bernardo Bertolucci vì đã giới thiệu cho bà “sự lãng mạn” trong việc làm phim. Hóa thân thành Uyển Dung, vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến ở Trung Quốc, Trần Xung đã trình diễn “một thứ phép màu” của một ngôi sao điện ảnh mà bà đã có được khi còn ở Trung Quốc. Oliver Stone, đạo diễn mà sau này Trần Xung hợp tác trong phim “Heaven & Earth”, đã viết trên tờ The New York Times rằng bà “chưa bao giờ xuất sắc đến vậy”. Vị đạo diễn kỳ cựu cũng nhấn mạnh khả năng di chuyển trước máy quay của bà: “Hãy nhìn vào biểu cảm cũng như cách di chuyển của cô ấy.”
“Hoàng đế cuối cùng” đã giành được tổng cộng 9 giải Oscar. Thế nhưng, ngôi sao của bộ phim, Tôn Long, đã không có tên trong danh sách đề cử tại Oscar năm đó. Cả Trần Xung cũng không có tên trong hạng mục đề cử Diễn viên phụ. Trần Xung cho biết: “Mọi người thậm chí còn chả nghĩ đến điều đó”. Nhà sản xuất bộ phim Jeremy Thomas cho biết mặc dù cả hai diễn viên đều nhận được các chiến dịch chạy đua cho những giải thưởng theo tiêu chuẩn, nhưng đội ngũ của hãng sản xuất đã không thể dành sự hỗ trợ cho cả hai diễn viên - một xu hướng đáng buồn thường thấy đối với những bộ phim không nói tiếng Anh được đánh giá cao, tương tự như Parasite cách đây 5 năm.
“Đó là điều khiến tôi bị sốc vào thời điểm đó, bản thân tôi cũng không vui và cảm thấy tội lỗi nữa,” Thomas nói. “Thật đáng xấu hổ…. Hiện tại, tôi mong sẽ không phải nghĩ đến nó nữa.” Đó là thực tế phũ phàng ngay cả sau thành công của “Hoàng đế cuối cùng”, cuộc sống của Trần Xung vẫn không thay đổi mấy. Dù vị thế của bà đã có chút ảnh hưởng, nhưng bản chất của các vai diễn đến với bà phần lớn vẫn không thay đổi. “Mấy vai đó thật tệ,” Trần Xung nói một cách thẳng thắn về các vai bà được nhận, chủ yếu là các phi tần và các quý bà châu Á khuôn mẫu, cổ hũ. Bà thậm chí còn không ngờ đến việc bị xúc phạm ngay từ ban đầu. “Nước Mỹ là một điều kỳ lạ đối với tôi, và tôi biết mình cũng kỳ lạ đối với nước Mỹ”, Trần Xung chia sẻ. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc trong ngành, bà đã học được rằng “sự khác biệt này thật đau đớn.”
“Twin Peaks” lại là một ngoại lệ thú vị. Trần Xung nói rằng đạo diễn David Lynch đã dạy bà cách ứng biến. Khi tôi yêu cầu bà làm ví dụ thử một kiểu, bà bật cười. Suy cho cùng, vai diễn của Trần Xung trong loạt phim trên kết thúc bằng cảnh nhân vật của bà biến thành một tay nắm cửa bằng gỗ theo đúng nghĩa đen.
Tuy nhiên, cũng có một vài khoảnh khắc nổi bật của Trần Xung trong “Twin Peaks”. Khi đang quay một cảnh với Ray Wise, người đóng vai người cha đang suy sụp của nhân vật Laura Palmer vừa bị sát hại. Ông ấy bắt đầu ứng biến, đi ngang qua Trần Xung và nói điều gì đó mà bà không hiểu được. Sau khi nghe tiếng cắt, ông lập tức xin lỗi bà. Trần Xung không biết tại sao ông ấy lại có vẻ đau khổ như vậy. “David bảo tôi đến và thì thầm vào tai cô cái từ bẩn thỉu đó”, Wise nói với bà. Cảm thấy bối rối, bà hỏi ông ấy nói gì. “Anh ấy nói, ‘Tôi thì thầm từ ‘con đĩ’. David muốn nhìn mặt tôi lúc đó”. Rồi bà nhìn ông ấy chằm chằm: “Tôi không hiểu”, bà cười. “Tôi không biết từ đó nghĩa là gì cả!”
Thế hệ các đạo diễn nữ những năm 90 không có mấy người. Trong nhóm đó, Trần Xung có lẽ là người duy nhất xuất hiện trong lúc trốn tránh chính quyền Trung Quốc. Bà đã được gửi một phiên bản của cuốn “Celestial Bath” của nhà văn Geling Yan, kể về một thiếu nữ từ vùng Thành Đô bị đưa đến vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ngay lập tức, bà thấy rằng tác phẩm này cần được phải chuyển thể thành phim, một phần vì bà không tìm thấy sự thỏa mãn về mặt nghệ thuật trong diễn xuất. Và rồi, bộ phim được đặt tên là “Thiên Dục”, được quay ở những vùng xa xôi của Tây Tạng. Bộ phim được thực hiện trên tinh thần quả quyết và không khoan nhượng, dù với phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với dự tính làm phim theo kiểu du kích như ban đầu. Trần Xung đã phải giữ bí mật về bộ phim trong suốt quá trình ghi hình, vì phim liên quan đến trải nghiệm tập thể đau thương mà bà đã né tránh trong gang tấc. Đây cũng là chủ đề mà chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp thuận. “Bây giờ tôi nhận ra rằng đó là một trong số rất ít bộ phim nói về chủ đề trên”, bà nói. “20 triệu con người, sự hy sinh của cả một thế hệ, sự mất mát chung của tuổi trẻ và sự trưởng thành của thế hệ chúng tôi”.
Bộ phim được công chiếu và hoan nghênh tại Liên hoan phim Berlin trước khi giành được nhiều giải thưởng khắp nơi, từ Paris đến Fort Lauderdale, Florida. Nhưng Trung Quốc đã đưa “Thiên Dục” vào danh sách cấm, và sau đó chính Trần Xung cũng bị phạt tiền và cấm hoạt động tại quốc gia này trong ba năm. Hình phạt đó không làm bà bận tâm chút nào: “Tôi biết mình đã làm gì”. Sau khi lệnh cấm kết thúc, bà đã hoạt động thường xuyên ở Trung Quốc.
Trần Xung đã có bước chuyển mình từ “Thiên Dục” sang “Autumn in New York”, một bộ phim tâm lý tình cảm về một chủ nhà hàng (Richard Gere) phải lòng một cô bán hàng rong mắc bệnh nan y (Winona Ryder). Đạo diễn ban đầu của bộ phim đã rời đi do bất đồng quan điểm sáng tạo, Trần Xung không hề biết rằng các nhà sản xuất cần một người thay thế vào phút chót. Một người Mỹ gốc Á ủng hộ bộ phim đã xem “Thiên Dục” và gợi ý bà ngồi ghế đạo diễn, nhưng các nhà sản xuất đã cười đáp lại. “Họ nói, ‘Chúa ơi, chúng ta tuyệt vọng đến vậy sao? Chúng ta sẽ thuê một ngôi sao điện ảnh Trung Quốc đạo diễn bộ phim này sao?’” bà nói. “Họ bắt đầu cười phá lên, điều mà sau này tôi mới biết”.
Trần Xung dù là người chỉ đạo bộ phim nhưng bà cảm thấy bị hạn chế trong quá trình đó, vì bà không thể thể hiện được tầm nhìn của mình và do đó không muốn tiếp thu nhiều phản hồi. Các nhà phê bình rất khắt khe, khán giả không đến nhiều như mong đợi. Trần Xung cảm thấy như “bị thiêu đốt” bởi toàn bộ trải nghiệm này và đã từ chối những lời mời đạo diễn tiếp theo. “Tôi không muốn làm đạo diễn nữa”, bà nói. Bà đã không đạo diễn một bộ phim nào kể từ đó, nhưng Sean Wang vẫn coi bà là “người tiên phong” trong việc đạo diễn phim. “Là một nhà làm phim trẻ tuổi đang nổi lên, tôi được truyền cảm hứng từ những người như bà ấy, Lulu Wang và Lee Isaac Chung”, đạo diễn 29 tuổi của Dìdi cho biết. “Tôi thuộc làn sóng mới của những nhà làm phim trẻ tuổi, những người tự tin hơn một chút nhờ vào những nhà làm phim đi trước, từ đó tạo nên những câu chuyện mang tính cá nhân đối với chúng tôi”.
Trần Xung đã hoạt động xuyên suốt tại cả Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một thời gian dài, với những vai diễn phong phú hơn tại quê nhà. Bà đã đóng các vai chính trong những bộ phim nhỏ như “The Home Song Stories”, kể về một ca sĩ hộp đêm đang vật lộn để nuôi hai đứa con ở Úc những năm 70, và “Sắc, giới” của Lý An. Lý An chia sẻ rằng: “Tôi đã nhiều lần suy sụp vì bộ phim. Nó đã chiếm rất nhiều tâm trí của tôi. Trần Xung đã chứng kiến điều đó, cho nên cô ấy đã thấu hiểu và luôn giúp đỡ tôi vực dậy.”
Dù vậy, phần lớn sự nghiệp của Trần Xung vẫn ngân nga một cách lặng lẽ. Nếu bạn xem qua thông tin về Trần Xung trên trang IMDB, bạn sẽ thấy những vai diễn của bà ngày càng hấp dẫn, táo bạo, nằm ngoài những khuôn khổ hạn hẹp của Hollywood. Đến bây giờ, Trần Xung mới nhận thấy sự thay đổi về tầm nhìn và nội dung. “Sau tuổi 50, cuộc sống mới bắt đầu”, Trần Xung chia sẻ với tôi vào thời điểm, bà cảm nhận như có một sự phát giác vậy. Trong bộ phim tội phạm giật gân của Trung Quốc “Ngộ sát” (tựa tiếng Anh: Sheep Without a Shepherd) (2019), Trần Xung vào vai một cảnh sát trưởng tham nhũng và cực đoan, mang một niềm vui độc ác và đẩy vào ranh giới đầy sự mất kiểm soát. Năm sau, Trần Xung cũng ghi dấu ấn của bà trong phim “Tigertail” (2020) của đạo diễn Alan Yang trong một cảnh phim đầy cảm xúc. Khi Sean Wang xem bộ phim đó, anh nhận ra Trần Xung là người phù hợp để vào vai mẹ anh.
“Dìdi” là bộ phim bán tự truyện về những năm tháng tuổi thiếu niên của Wang ở Bay Area, San Francisco. “Dìdi” có sự tham gia của các diễn viên chủ yếu là mới vào nghề, trong đó có cả Izaac Wang trong vai cậu bé Chris và bà của Wang, Chang Li Hua. “Dìdi” là câu chuyện cảm động về quá trình trưởng thành của cậu bé Chris Wang và khác với các bộ phim cùng thể loại, bộ phim tiếp cận góc nhìn từ người mẹ Chungsing do Trần Xung thủ vai, bằng sự thấu cảm nhưng cũng đầy nghiêm ngặt. Trần Xung đã dành nhiều thời gian với mẹ của Wang và bà cũng đã đưa cô con gái đang tuổi đại học của mình đến làm việc trên phim trường với tư cách là trợ lý cá nhân. “Cả hai cô con gái của tôi đều có những năm tháng tuổi thiếu niên rất hỗn loạn và tôi đã học được rất nhiều điều”, Trần Xung nói. “Vì vậy, việc cho con gái tôi thấy tôi đóng vai một người mẹ… đã đem lại nhiều xúc cảm và cứu rỗi tôi”. Trần Xung nhẹ nhàng chia sẻ: “Cảm giác thật nhẹ nhõm.”
Wang không thể hình dung ra bộ phim mà không có Trần Xung. “Tôi gặp bà ấy lần đầu qua Zoom. Bà đã phải mất đến 20 phút để cố gắng tìm cách bật máy quay,” Wang nói. “Nhưng bà ấy đã luôn sẵn sàng. Bà đã đặt ra rất nhiều câu hỏi sâu sắc, chu đáo về nhân vật và điều đó thực sự thúc đẩy và thách thức tôi suy nghĩ sâu hơn về cả câu chuyện cũng như nhân vật của bà ấy. Tôi muốn tạo nên một nhân vật đa tầng, phong phú và sắc thái nhất.”
Trong quá trình biên tập, chúng tôi phải cắt bỏ nhiều câu thoại của Trần Xung, vì bà ấy đã nhập vai hoàn toàn vào Chungsing đến nỗi mọi cảm xúc, mọi cung bậc đều hiện hữu trong đôi mắt của bà. “Cả bà ấy và nhân vật đều truyền tải nỗi đau, tình yêu, sự khao khát và niềm hối tiếc,” Wang nói. Đó là phẩm chất khó tả mà Trần Xung đã mang vào phim ảnh kể từ khi bà ấy còn là một hiện tượng ở Trung Quốc lúc bà còn là thiếu niên. Đó là điều rất hiếm khi được thấy trong các bộ phim Mỹ.
Các nhà làm phim trẻ hiện đang dõi theo Trần Xung, nhắn gửi và mang đến cho bà ấy không gian theo một cách khác biệt. Gần đây, bà đã hoàn thành quá trình ghi hình của bản làm lại từ bộ phim “Hỷ yến” (1993) của Lý An, do Andrew Ahn đạo diễn. Trần Xung vào vai người mẹ ồn ào của người con gái đồng tính (Kelly Marie Trần đóng). Đó là một vai diễn hài hước, ngớ ngẩn đầy tuyệt vời, nhưng đôi khi cũng có chút buồn.
“Khi tôi lần đầu gặp Andrew trên Zoom, anh ấy đã nói rất nhiều về mẹ của mình để truyền tải mối quan hệ giữa tôi và con gái tôi trong phim”, Trần Xung nói. “Những đạo diễn này ‘có thể diễn đạt một cách trung thực, chân thực và chân thực hơn về những trải nghiệm của riêng họ, không đi theo những hình mẫu về người châu Á do Hollywood tạo nên’”. Wang đồng tình chia sẻ: “Hy vọng rằng sau bộ phim này, sẽ có nhiều vai diễn hơn cho những người như bà ấy, vì hiện tại những người như tôi đang nhìn nhận cha mẹ mình theo cách kiểu như, ‘Ồ, họ không chỉ đơn thuần là cha mẹ của chúng ta.’”
Chen cảm nhận được sức ảnh hưởng đó. Bà cảm thấy hơi sốc vì tiếng gọi Oscar đang quay lại, dù bà đã hoạt động ở Hollywood được bốn thập kỷ mà chả mảy may nghĩ đến nó. Trần Xung nhận thấy hào quang trong quá khứ cũng như sự nghiệp hiện tại của mình cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý. Gần đây, bà đã tổ chức một buổi chiếu đặc biệt của bộ phim “Thiên Dục” tại Liên hoan phim quốc tế San Francisco và các hãng streaming bắt đầu hỏi bà ấy về việc đưa bộ phim lên nền tảng của họ. “Tôi kiểu như, tôi thậm chí còn không biết tìm nó ở đâu nữa. Cuộn phim âm bản gốc của tôi đâu rồi?”, bà cười chia sẻ.
Trần Xung cho biết bà sẵn sàng hỗ trợ “Dìdi” bằng mọi cách có thể, miễn không phải bằng cách tương tác với truyền thông, có thể bằng một vài bài đăng trên mạng xã hội. “Con gái tôi vừa mới khôi phục lại Instagram của tôi, và hôm qua con bé cũng nói: ‘Mẹ ơi, mẹ đã không động đến nó ba tuần qua rồi!’”. “Tối nay có lẽ tôi sẽ bắt tay vào thực hiện.”, Trần Xung chia sẻ. Đó sẽ là một khởi đầu mới.
Lược dịch từ bài viết “Joan Chen Has Always Been a Movie Star: Hollywood Is Finally Catching Up” của David Canfield trên tờ Vanity Fair
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ