phân tích
NGỘ KHÔNG HẮC THẦN THOẠI VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HOẠT HÌNH TRUNG QUỐC
Người viết: Chie'
Ngày 20/8 năm 2024, bộ game Ngộ Không Hắc Thần Thoại chính thức được ra mắt công chúng sau bốn năm chờ đợi. Chỉ sau vài ngày ra mắt, khán giả toàn cầu đã được dịp mắt chữ O mồm chữ A về độ hoành tráng của các nhà sáng tạo game xứ Trung Hoa khi đem đến cho người dùng một trải nghiệm cực kỳ xứng đáng với khoảng thời gian chờ đợi kể từ khi trailer được ra mắt vào năm 2020. Có thể nói, cốt truyện trong Ngộ Không Hắc Thần Thoại mang đậm tính văn hoá, lịch sử và huyền thoại. Đưa người chơi đến một thế giới khác không chỉ có bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh mà còn thiên địa rộng lớn, yêu ma ngạ quỹ, nữ nhi tình trường. Và điều khiến cho khán giả đại chúng càng ngạc nhiên hơn nữa đó chính là độ chỉn chu về mặt đồ hoạ trong từng bảng cutscene, khi mỗi một chương là một phong cách đồ hoạ khác nhau cực kỳ ấn tượng. Không chỉ 2D, 3D, mà còn có stop motion và đặc biệt nhất là phong cách vẽ thuỷ mặc mà chỉ duy nhất hoạt hình Trung Hoa mới hiện hữu. Có thể nói, ngành hoạt hình Trung Quốc có một lịch sử lâu đời không kém gì Nhật Bản và Hoa Kỳ, thậm chí nó còn để lại dấu ấn lên nhiều thế hệ trẻ Châu Á. Khi Ngộ Không Hắc Thần Thoại ra mắt, bộ game không chỉ thu hút giới game thủ mà còn thu hút cả những người quan tâm đến điện ảnh. Khi những câu chuyện được lồng ghép tỉ mỉ, ngôn ngữ điện ảnh được truyền đạt chỉn chu không hề thua kém gì một bộ phim hoạt hình điện ảnh được làm chuyên nghiệp. Không hề bất ngờ khi GameScience không đứng một mình trong dự án, mà còn kết hợp cùng với các studio hoạt hình non trẻ tại Đại Lục để đưa đến một sản phẩm hoàn chỉnh mà chúng ta được thấy trong vài ngày. Điều đáng khen cho dự án đó chính là những con người đứng sau nó hầu hết là thế hệ trẻ tài hoa của Trung Quốc, cùng nhau xây dựng lên một mảng nghệ thuật kết hợp giữa game và phim hoạt hình, sẵn sàng truyền bá lịch sử và văn hoá quốc gia. Dưới đây là những studio đã cùng tham gia sáng tạo với GameScience.
Chương 1: Hoả Thiêu Hắc Vân
Hoàn thành bởi: FLiiiP Design - Một studio hoạt hình thành lập vào năm 2019, toạ lạc tại Thượng Hải tập trung các mảng thiết kế hoạt hình 2D và 3D. Từ lúc thành lập cho đến hiện tại, FLiiiP Design đã hợp tác không chỉ cùng với GameScience mà còn với Marvel, Apple và Tencent.
Chương 2: Gió Nổi Hoàn Hôn
Hoàn thành bởi: RealWood Studio là một đội ngũ chuyên sản xuất hoạt hình stop motion. Là nơi quy tụ những nhà sáng tạo phim stop motion tinh anh bậc nhất quốc gia với kinh nghiệm vững chắc trong nghề. Realwood Studio cam kết sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Chương 3: Dạ Sinh Bạch Lộ
Hoàn thành bởi: Studio Đại Hoả Điểu Văn (Firebird Culture) là studio nội địa Trung với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nền tảng lớn Trung Quốc. Với đội ngũ dầy dặn kinh nghiệm trong mặt sáng tạo và am hiểu văn hoá Trung Hoa, Studio Đại Hoả Điểu Văn không chỉ đạt được thành công trong nghệ thuật và kinh doanh, mà còn hiện đại hoá việc sản xuất hoạt hình phục vụ cho dân nội địa.
Chương 4: Khúc Độ Tử Uyên
Hoàn thành bởi: Studio Đại Hoả Tiểu Văn và Studio Lục Quái Nghiên (Green Monster Team).
Chương 5: Nhật Lạc Hồng Trần
Hoàn thành bởi: Studio Đại Hoả Tiểu Văn và Studio Xỉ Luân Ánh Hoạ.
Có thể thấy, không chỉ ngành game, mà đồ hoạ hoạt hình của Trung Quốc đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy vậy, họ chỉ lại tạo tiếng vang thêm một lần nữa với những tác phẩm phục vụ cho cả khán giả trong lẫn ngoài nước, mà gần nhất đó chính là Ngộ Không Hắc Thần Thoại. Vì thế nên có rất ít người biết, ngành hoạt hình Trung Hoa đã có một lịch sử phát triển vô cùng lâu đời, lên đến trăm năm. Tuy vậy, không phải con đường nào cũng dễ dàng, ngành phim hoạt hình Trung Quốc tuy tồn tại đã lâu nhưng cũng trải qua nhiều tháng năm thăng trầm với nhiều biến đổi, chuyển giao văn hoá, thế hệ và lịch sử. Đây không chỉ phản ánh thời đại đổi thay mà còn phản ánh tinh thần miệt mài theo đuổi, khám phá nghệ thuật không ngừng nghỉ của các thế hệ làm phim hoạt hình xứ tỷ dân.
Nhìn lại lịch sử, đưa ta về năm 1957, khi Xưởng Phim Nghệ Thuật Thượng Hải (Shanghai Animation Film Studio) được thành lập, đưa ra khẩu hiệu “Mãi hướng đến tìm hiểu phong cách dân tộc”, khiến cho nhiều nghệ sĩ cấp cao tại Trung Quốc nghiêm khắc tuân thủ theo quan niệm sáng tạo và sử dụng các yếu tố nghệ thuật truyền thống để đưa đến hàng loạt tác phẩm hoạt hình mang tính đặc trưng Trung Quốc. Từ đó, xuyên suốt nhiều thập kỷ, các nhà sáng tạo hoạt hình Trung Quốc đã tìm tòi, thử nghiệm, đến hội nhập, rồi phát triển. Họ thực hiện không chỉ phim hoạt hình, mà còn nhiều nhánh nhỏ trong một bức hình lớn, ví như phim chuyển thể từ truyện tranh, phim múa rối, phim giấy cắt, phim vẽ tranh thuỷ mặc, vân vân và mây mây. Cho đến năm 1961, khi bộ phim hoạt hình thuỷ mặc “Nòng Ngọc Con Tìm Mẹ” được ra đời, đánh dấu một sự yêu nước mạnh mẽ của các nhà nghệ thuật làm phim hoạt hình Trung Quốc, thúc đẩy họ sử dụng tranh Tết dân gian, truyền thống Trung Hoa, kiến trúc chùa chiềng và các tác phẩm điêu khắc Phật Giáo để sử dụng làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm hoạt hình thời ấy.
Có thể thấy, tuy ngành hoạt hình Trung Quốc đã được thành lập vào những năm 1920, nhưng đến những năm 1950 mới bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ của Trung Ương Đảng, dần dần trở thành công cụ tuyên truyền, toạ lạc ở Thượng Hải là trung tâm. Về mặt nội dung, các nhà làm phim hoạt hình đã bắt đầu với việc toàn tâm toàn lực khám phá văn hoá Trung Hoa bao gồm nghiên cứu tiểu thuyết cổ điển, thần thoại, truyện dân gian, truyện cổ tích. Về kỷ thuật, tuy bắt nguồn là một trong một công cụ tuyên truyền, nhưng điều đó không ngăn được việc các nhà sáng tạo tập trung đổi mới, nắm bắt các nguyên tắc cơ bản dùng để phát triển loại hình phim hoạt hình, đồng thời thể hiện đầy đủ đặc điểm dân tộc thiết kế núi sông, đá, thảm thực vật và công trình kiến trúc. Dần dần, chủ đề thực hiện cũng được mở rộng, không còn được xem là một công cụ tuyên truyền nữa mà trở thành loại hình nghệ thuật được công chúng nội địa đón nhận rộng rãi do dễ xem vì phù hợp với mọi lứa tuổi, nội dung dễ gần nhưng sâu sắc, sự châm biếm sắc sảo, phê phán những tệ nạn hiện tại theo hướng hài hước, gần gũi.
Khi nhắc đến đệ nhất Mỹ Hầu Vương, năm 1961, bộ phim hoạt hình “Đại Náo Thiên Cung”ra đời với hơn 154.000 bức vẽ được vẽ bởi chính các hoạ sĩ hợp tác cùng Xưởng Phim Nghệ Thuật Thượng Hải. Cho ra đời một tác phẩm nổi bật nhất thời điểm bấy giờ, khắc hoạ đúng bản chất của một Tôn Ngộ Không nổi loạn, mưu cầu tự do, để lại một nền tảng vững chắc cho những nhà sáng tạo Tôn Ngộ Không sau này. Trong bản game Ngộ Không Hắc Thần Thoại, Mỹ Hầu Vương cũng được xuất hiện dưới nền nhạc kinh điển Trung Quốc bao gồm những yếu tố bắt nguồn từ Kinh Kịch, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn, đều là những giai điệu quen thuộc đã nằm sau trong lòng khán giả. Tuy tạo hình Tôn Ngộ Không trong bản game không còn là một con khỉ vận lên những bộ đồ đơn giản khi đang trên hành trình đi thỉnh kinh. Mà là một yêu quái thực thụ, nhưng cái quái dị, ngông cuồng và mong cầu tự do vẫn được giữ nguyên trọn vẹn. Khi bản phim “Đại Náo Thiên Cung” được hoàn chỉnh lần cuối năm 1978, được phân phối phát hành lẫn trong và ngoài nước, bộ phim hoạt hình lột tả một Mỹ Hầu Vương kinh điển trong lòng khán giả đã được nhận xét như sau: “Đại Náo Thiên Cung không chỉ mang vẻ đẹp của những tác phẩm Disney thông thường của Mỹ, mà còn theo đuổi nhiều phong cách nghệ thuật mà đến cả Disney cũng không thể đạt được. Bộ phim dường như đã thể hiện hoàn hảo phong cách nghệ thuật truyền thống Trung Quốc thời bấy giờ”. Từ đó trở đi, ngôn ngữ điện ảnh hoạt hình Trung Quốc đã chính thức được hình thành và được công nhận ở khắp mọi nơi thế giới.
Phong cách hoạt hình của Trung Quốc không chỉ còn là một phong cách giải trí, mà là một hình thức đồng lòng giữa quốc gia và người làm nghệ thuật sáng tạo. Dù cho trăm năm đã trôi qua, ngành nghệ thuật hoạt hình Trung Quốc cũng thay đổi nhiều thế hệ, trải qua nhiều sự biến đổi, chuyển giao. Nhưng thế hệ kế thừa hiện tại vẫn luôn duy trì phát huy thẩm mỹ truyền thống Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của cha ông tiền bối. Khi Tôn Ngộ Không Hắc Thần Thoại ra đời, có không ít những phê bình rằng game và câu truyện được truyền tải thiếu đi sự đa dạng văn hoá. Nhưng có lẽ họ chưa hiểu được, đó chính là sự cam kết giữa quốc gia và nghệ thuật, cam kết không chỉ gìn giữ mà còn quảng bá di sản quý giá trong văn học, huyền thoại, lịch sử và sử dụng nó làm cảm hứng phát triển nghệ thuật. Trong nhiều năm sản xuất game, đội ngũ nhà sản xuất đã đến Sơn Tây rất nhiều lần để tham quan Trấn Quốc Tự, sử dụng vật liệu ở đó để đưa vào game. Trong lúc tham quan, đội ngũ sáng tạo đã quan sát tỉ mỉ từng bức tượng, đặt câu hỏi về bối cảnh lịch sử và giá trị nghệ thuật liên quan nhằm đem đến trải nghiệm tìm hiểu văn hoá cho người chơi. Từ đó, khi Ngộ Không Hắc Huyền Thoại ra đời, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng một thế giới thần thoại phương Đông kỳ ảo và tráng lệ, mà còn được đi du lịch miễn phí đến Phật Quốc Tiên Cung, Thạch Tràng Sơn Cảnh, Huyền Không Tự và hàng chục tiên cảnh Trung Hoa khác. Cũng từ đó mà thế giới mới được một phen chiêm ngưỡng tinh thần yêu nước của các nhà làm phim nghệ thuật hoạt hình Trung Quốc, dù cho trăm năm trôi qua vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.
—————————-
Reference
李涛. (2007). 美, 日百年动画形象研究 (Doctoral dissertation, 四川大学)
FLiiiP Design. (2019). fliiipdesign.com..
广州大火鸟文化传媒有限公司. (2018). kjjcg.net
realwood studio. (2020). behance.net.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ