phỏng vấn

Liệu Phụ Nữ Có Đang Tìm Kiếm Hạnh Phúc Của Riêng Mình ở Đúng Nơi?

Người viết: Ette

img of Liệu Phụ Nữ Có Đang Tìm Kiếm Hạnh Phúc Của Riêng Mình ở Đúng Nơi?

Phỏng vấn với Dương Diệu Linh về tác phẩm “Mưa Trên Cánh Bướm”

Thực hiện bởi Ramona Boban-Vlahović cho tờ Film Fest Report, chuyển ngữ bởi All About Movies

-----

Tại một vùng ngoại thành ven rìa Hà Nội vào những năm 2000s, bà nội trợ Tâm (Lê Tú Oanh thủ vai) đã phát hiện ra chồng mình đang có một mồi quan hệ ngoài luồng sau lưng bà. Nhưng thay vì trực tiếp chất vấn ông ta, bà lại tìm đến một người thầy bùa để thực hiện một loại tà thuật đặc biết có thể khơi dậy lại tình yêu của ông cho bà, chỉ để việc đó dẫn đến sự xuất hiện của một sinh vật lạ đang dần nảy nở trong mái nhà họ.

Những trải nghiệm của Dương Diệu Linh khi lớn lên trong một môi trường đặc biệt ở Việt Nam đã dẫn cô đến việc tự khám phá một cách sâu sắc các đề tài về những bế tắc tâm lý tự sinh cũng như tư tưởng ghét bỏ phụ nữ nội tâm hóa (internalized misogyny). Thông qua nhân vật Tâm trên phim, cô đã đặt ra những câu hỏi cốt yếu về việc phụ nữ đang đặt kỳ vọng vào hạnh phúc ở đâu cũng như liệu họ có thực sự hiểu được nguyên nhân sâu xa cho những khổ hạnh của mình. Cô cho rằng cả đàn ông và phụ nữ đều là nạn nhân của một thể chế xã hội tàn nhẫn và xấu xa hơn là nạn nhân của nhau.

Trước khi tham dự Venice cùng tác phẩm điện ảnh đầu tay, Dương Diệu Linh được biết đến qua nhiều những bộ phim ngắn phá vỡ những hình mẫu về người phụ nữ trung niên buồn bã, lo âu và cằn nhằn. Với phong cách làm phim pha trộn giữa giọng điệu hóm hỉnh hài cùng một nét hiện thực huyền ảo, các tác phẩm ngắn của cô đã có mặt và tranh giải tại nhiều các liên hoan phim danh giá trong trên khắp thế giới. Riêng hành trình của “Mưa Trên Cánh Bướm” được bắt đầu phát triển từ năm 2019 khi dự án đã giành được giải thưởng Moulin D’andé-CECI tại Locarno Open Doors và được tuyển chọn vào Full Circle Lab vào năm 2020.

Tác phẩm điện ảnh đầu tay “Mưa Trên Cánh Bướm” của cô đã dành chiến thắng lớn tại liên hoan phim Venice 2024 mang về hai giải GrandPrize of iWonderfull (Giải thưởng lớn của iWonderful) và Most Innovative of Cirolo del Cinema (Giải thưởng cho phim phá cách nhất) trong mục Critic’s Week.

Chúng tôi đã có dịp để ngồi xuống cùng cô tại Venice để nói thêm về một số những nguồn cảm hứng của cô, cũng như về sự tiến hóa của nữ quyền cùng những sang chấn liên thế hệ được mô tả trên phim

---------

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Chị có thể nói một chút về nội dung bộ phim và điều gì đã truyền cảm hứng cho chị để thực hiện nó?

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi đã viết một kịch bản phim ngắn nói về mối quan hệ mẹ và con gái vào tầm 10 năm trước, bản thân kịch bản ấy cũng có đề cập đến những vấn đề về nữ giới và khoảng cách thế hệ giữa phụ nữ với nhau: về việc tuy rằng họ không thể giao tiếp với nhau nhiều như họ muốn nhưng thâm tâm họ vẫn yêu thương nhau rất nhiều.

Nó là một kịch bản rất đặc biệt với tôi. Nó hài hước nhưng đồng thời cũng nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn nhau. Nhưng tôi cảm giác rằng một bộ phim ngắn vẫn chưa đủ để tôi có thể kể hết được những gì mình muốn nói về những vòng lặp sang chấn liên thế hệ mà phụ nữ phải trải qua, những tổn thương được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác mà ta không hề hay biết, những kì vọng xã hội về cách phụ nữ nên hành xử thế nào, một gia đình nên vận hành ra sao, phải làm cha, làm mẹ, là một người con gái thế nào. Họ phải hành xử như nào mặc cho những cảm xúc và nhu cầu cơ bản của họ.

Ý tưởng cho “Mưa Trên Cánh Bướm” đến vào năm 2019 khi tôi cảm thấy mình bấy giờ đã đủ thoải mái để có thể quay lại với đề tài này. Tôi đã chắc rằng nó phải là một bộ phim dài để tôi có thể kể hết được tất cả những gì mình muốn nói về việc là một người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Tôi khá mừng với cách mình đã có thể khắc họa được một bức tranh về hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau, việc người này cho rằng bản thân mình giỏi hơn người còn lại và có thể trốn tránh được những sai lầm của thế hệ trước. Thế nhưng rồi sau cùng thì cả hai bọn họ cũng đều có phần nào đó hơi hoang tưởng, cũng đều sa lầy vào trong những ảo mộng của riêng mình, tuy ơ những cách khác nhưng lại liên hệ chặt chẽ đến nhau.

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Chị nói rất hay. Thế nhưng liệu những khác biệt này có đến từ khoảng cách thế hệ mà thôi hay cũng là bởi những phát triển của chủ nghĩa nữ quyền trong thời gian gần đây? Theo chị, việc chênh lệch tuổi tác liệu có phải là nguyên nhân chính cho những xung đột nhận thức về khái niệm nữ giới hay rằng xã hội cũng đang dần một tiến bộ hơn?

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi nghĩ sự khác biệt này vừa có mang tính thế hệ cũng như bởi những phát triển của nữ quyền trong thời gian gần đây. Ý tôi là, có ai mà bao giờ lúc nào cũng có mối quan hệ tốt với mẹ mình đâu chứ? Chúng ta luôn trải qua giai đoạn vào tuổi mới lớn khi mình nghĩa rằng mình có thể làm tốt hơn thế hệ bố mẹ mình, rằng mình sẽ không trở nên như họ, chỉ để nhận ra rằng mình đang trở thành như mẹ mình khi đến một độ tuổi nhất định nào đó. Lúc đó mình mới nhận ra rằng “Ồ, vậy là mẹ đã đúng” nhưng chỉ khi bản thân ta lúc ấy có thể bắt đầu trân trọng việc mình sẽ trở thành một người như mẹ mình.

Với các nhân vật trong phim, một người thì đang ở ngoài tuổi 40 còn một người vẫn đang 20, người con gái lúc ấy đang ở trong độ tuổi nổi loạn. Tôi nghĩ sẽ rất hay để có thể khai thác nhân vật người con gái, vốn dĩ còn non trẻ chưa biết gì về cuộc sống, nghĩ rằng mình đang làm tốt hơn mẹ mình và tìm ra những giải pháp không đúng cho mẹ mình khi vẫn chưa hiểu được những gì bà đang trải qua. Điều này gắn liền với những sang chấn liên thế hệ của phụ nữa, đặc biệt là ở Việt Nam, khi chế độ phụ hệ đã tạo nên những quy tắc cố định về việc phụ nữ phải chăm lo cho chồng con như thế nào. Thậm chí khi nhà không có con trai thì những quy chuẩn về một gia đình truyền thống vẫn phải được duy trì.

Thế nhưng xã hội có tiến bộ hơn theo gian. Ở thời ông bà ta, người phụ nữ chủ yếu phải ở nhà chăm sóc con cái. Trong phim, người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm chồng, và lo cho con gái. Bà đảm nhận hết tất cả những vai trò này, loay hoay tới lui để hoàn thiện công việc trong nhà mỗi ngày mà không để chồng mình giúp đỡ bởi việc phải chỉ bảo ai đó làm gì mang quá nhiều gánh nặng tinh thần cho bà.

Người chồng không hề giúp ích gì, ông làm mọi thứ chậm rãi theo nhịp độ riêng của mình, vô tư không cần biết đến vợ mình đang ra sao hoặc liệu bà có cần giúp đỡ gì không. Đây là một vấn đề khá phổ biến trong xã hội hiện đại: việc người phụ nữ phải đảm nhận nhiều vai trò hơn trong và ngoài gia đình trong khi đàn ông vẫn duy trì nếp sống cũ mà không có cho mình khả năng để có thể hỗ trợ người phụ nữ mình về mặt cảm xúc hay cùng gánh vác những gánh nặng cảm xúc đó với họ.

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Nhân vật người con gái rất thú vì bởi cô đã chứng kiến mọi thứ xảy ra trong gia đình. Bản thân cô đại diện cho một thế hệ mới đột phá và có tầm nhìn xa hơn những gì trong nhà. Nhưng cô cũng chỉ mới 20 tuổi, còn rất non trẻ. Chị đã khai thác những nỗ lực của cô ấy để không trở thành như mẹ mình thế nào?

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi khai thác những cách cô ấy đã cố để được khác với mẹ mình nhưng rồi cuối cùng lại vẫn rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không có một sự trốn thoát nào cả, chỉ có những lời tường giải. Không có nhân vật nào trong phim thực sự giao tiếp về cảm xúc họ. Người con gái phàn nàn với bạn bè về bố mẹ mình nhưng cô cũng không nói cho họ biết mình cảm thấy thế nào. Và ta biết phải làm gì để giải quyết vấn đề khi không ta còn không thể giao tiếp với nhau? Đây cũng chính là điều thường dẫn đến sự tan vỡ hôn nhân và lục đục gia đình.

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Chà, điều này dẫn đến điều kia. Các vấn đề trong một mối quan hệ thường xảy ra khi thiếu vắng đi sự giao tiếp thích đáng. Thế nhưng tôi cũng muốn được hỏi thêm về phong cách hình ảnh của chị. Bộ phim mang một màu sắc rất tươi tắn và độc đáo. Liệu chị đã muốn nó mang một phong cách đặc trưng Việt Nam mà không có cảm giác bóng bẩy qua như những phim quốc tế>

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Với tôi, kỹ thuật quay phim và và nghệ thuật tạo hình, bao gồm những thứ thiết kế sản xuất, nên giúp kể câu chuyện và đề cao ý nghĩa của tác phẩm. Với bộ phim này, tôi muốn người mẹ như bị giam cầm lại, không chỉ trong chính mái nhà của bà mà cũng như ở chốn công sở hay bất cứ nơi nào bà đi.

Bà lúc nào cũng bị chèn ép trên khuôn hình bởi những món đồ nội thật bằng gỗ cồng kênh trong nhà và bởi những người xung quanh. Bà không bao giờ thực sự được ở một mình, luôn bị vây quanh bởi sự hỗn loạn hoặc bởi những món đồ đạc, mang đến một cảm giác ngột ngạt đến khó thở. Điều này được làm rõ ngay từ đầu khi thực hiện bộ phim, tôi đã bảo nhà thiết kế sản xuất và DP của mình hãy bám theo mạch cảm xúc của nhân vật chính. Ngay cả máy quay cũng phải theo dòng cảm xúc của phân cảnh cùng nhu cầu của câu truyện, dù là khi quay cầm tay hay đang quan sát.

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Có rất nhiều tính biểu tượng trong phim. Liệu có điều gì cụ thể trong phim mà có lẽ những khán giả châu Âu có thể sẽ không hiểu được không?

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Cá nhân tôi rất thích dòng phim kinh dị thể xác (body horror), bản thân được ảnh hưởng bởi những nhà làm phim như David Cronenberg và John Carpenter. Kinh dị thể xác giúp khắc họa những cảm xúc cực đoan, không thể nói được bằng lời ở người.

Sinh vật trong bộ phim gắn liền với một câu thành ngữ “nhà dột từ nóc” trong tiếng Việt, tức nếu trụ cột gia đình- trong trường hợp này nhằm ám chỉ đến người đàn ông trong nhà- không được yên ổn thì cả hộ gia đình cũng sẽ sớm tan vỡ theo. Điều này khiến tôi nghĩ đến việc vết dột trên trần nhà thường hay được coi như chuyện nhỏ nhặt dễ bỏ qua cho đến khi nó đã trở nên quá nghiệm trọng, tương tự như cách người vợ trong phim đối mặt với chuyện bị chồng ngoại tình. Việc né tránh dẫn đến những vấn đề của bà dần một phình trướng và trầm trọng hơn, như cách vết dột ấy rồi trở thành thứ sinh vật đã tiếp cận bà.

𝐑𝐚𝐦𝐨𝐧𝐚 𝐁𝐨𝐛𝐚𝐧-𝐕𝐥𝐚𝐡𝐨𝐯𝐢𝐜: Để kết thúc buổi phỏng vấn này, chị có thể tóm tắt thông điệp mình muốn truyền tải qua bộ phim này trong một câu được không?

𝐃𝐮𝐨𝐧𝐠 𝐃𝐢𝐞𝐮 𝐋𝐢𝐧𝐡: Một câu ư? Ôi khó quá! Chà, tôi muốn cả phụ nữ lẫn nam giới có thể quan sát sâu sắc hơn về những hành vi của họ trong mối quan hệ, và để phụ nữ không chỉ nghĩ về chình mình như nạn nhân của nam giới mà còn về việc liệu họ có đang tìm kiếm hạnh phúc riêng cho bản thân ở đúng nơi hay không; thay vì đặt hết niềm tin của họ vào một thứ gì đó khác như người đàn ông mà không hề hay biết liệu điều đó có thể khiến họ cảm thấy trọn vẹn là một người phụ nữ được không.

---------

Ảnh: Dương Diệu Linh (phải) phát biểu về phim tại buổi khai mạc ở Liên Hoan Phim Venice 2024

07/09/2024


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo