phân tích
LA CHIMERA (2023): TRẦN THẾ BÀO ẢNH VÀ TỘT CÙNG TÂM LINH
Người viết: Tâm Nguyên Abu
Trong thần thoại Hy Lạp xa xưa, Chimera được lưu truyền và khắc hoạ là một con quái vật khạc ra lửa, với mình sư tử, thân dê cùng đuôi rắn. Dáng vẻ kiêu hùng của quái thú Chimera đã được ngự trên những bức khảo cổ thiêng liêng, tựa như một chứng nhân của lịch sử, một chương điển tích huy hoàng của thần thoại sử thi. Trong tiếng Ý, ‘La Chimera’ lại mang nghĩa ‘giấc mơ không thành hiện thực’. Dường như nhan đề mang đậm cảm hứng thần diệu đã tiên đoán và gợi mở ra một thế giới điện ảnh của những ảo mộng triền miên, một hồn phim nên thơ, cổ kính mà táo bạo, đắm say lòng người.
La Chimera đưa ta vào một giấc ngủ êm đềm dưới ánh nắng mật ong dịu dàng của cảnh sắc siêu thực, u hoài nơi vùng nông thôn nước Ý, để rồi ta mới thể nhập vào cõi mộng. Lấy bối cảnh vào thập kỷ 80, khi nạn đạo tặc tại những khu mộ kì bí oanh tạc, bộ phim đã phô bày những trăn trở hiện sinh về sự phù phiếm, mong manh của kiếp phàm trần. La Chimera dẫn ta theo chân Arthur – một nhà khảo cổ học người Anh với dáng vẻ u sầu, thơ thẩn và khả năng ngoại cảm khác thường. Chàng vừa trở về quê hương từ chốn ngục thất tù đày, và giờ đây, Arthur đang cố tìm lại linh hồn mình nơi cõi đất thân thương nhưng lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Lạc lối giữa nhân sinh vô cùng, Arthur lại theo chân bè lũ trộm mộ bất hảo, dùng năng lực ngoại cảm siêu nhiên để đào xới những cổ vật thiêng liêng tự trong lòng đất, và cũng từ đây, chàng đã chạy đuổi theo hào quang hư trá về giấc mộng giàu sang.
Arthur là kẻ sống trong quá khứ, đào xới trong mảnh đất cằn cỗi của những ký ức để mong sao kiếm tìm được phép màu. Đằng sau dáng vẻ ưu tư, lạnh lùng là tâm hồn của gã trai đa cảm ngày này qua tháng khác chôn vùi bóng hình nàng Beniamina – một tình yêu hồn nhiên đã mất. Liệu miền quá khứ của ta là sự thật hay chỉ là hư ảo, chỉ là một sự phóng chiếu những mẩu chuyện đã bị bóp méo bởi nỗi hoài niệm? Tôi đã được nghe rằng những kẻ ngụp lặn trong mộng ảo và tham dục không khác gì “chiến đấu cùng những bóng ma”, và tôi tin rằng Arthur đang trốn chạy khỏi những bóng ma âu lo, trăn trở trong tiềm thức, để rồi dấn thân vào một cuộc đuổi hình bắt bóng đầy hư trá khác. Sự quy hàng của Arthur trước con đường tội ác là kết quả của những niềm đau quá khứ cùng nỗi ưu tư không lời giải bị kìm nén trong vô thức. Sự lạc lối dẫn đến mê lầm, và trong mê lầm, lòng tham càng trỗi dậy mạnh mẽ và tự trong bóng tối, chúng hoá thân thành quái thú Chimera. Arthur cùng bè lũ bất hảo để thoả mãn cái tôi, lấp đầy dục vọng mà đã xúc xiểm đến những giá trị tâm linh huyền bí, cũng giống như cách chủ nghĩa duy tâm bị bóp nghẹt giữa một thế gian sùng bái vật chất và sự thực dụng. Cách Arthur chìm đắm trong hư vinh giả tạm, đạp đổ những giá trị tinh thần thiêng liêng lại khiến ta mường tượng đến câu chuyện nghiệt ngã của người anh hùng Bellerophon, sau khi kết liễu quái vật Chimera bỗng nổi lòng ngã mạn, bèn cưỡi thần mã Pegasus lên đỉnh Olympus đòi sánh ngang với các vị thần bất tử, để rồi bị trừng phạt trở thành một kẻ lang thang âm u đui mù, sống cô độc đến cuối đời.
Triết gia Hy Lạp Socrates từng cất lên tiếng nói giữa biền biệt trăn trở nhân sinh: “Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả”. Con mắt phàm phu nhân thế cũng chỉ là hữu hạn so với sự tồn tại giữa vô thuỷ vô chung, thăm thẳm, huyền bí và vô hạn, và rằng những khía cạnh tâm linh không thể bị bác bỏ, phủ nhận hoàn toàn trên bước đường đi đến chân lý. Có thể thấy, để tìm lại linh hồn thanh khiết nơi cõi đất này, Arthur không thể chạy đuổi theo những chuyến phiêu du của tiền tài bất hảo, của giấc mộng giàu sang, mà phải quay về chính nơi chàng bắt đầu. Đối lập với những ảo ảnh về quá khứ với Beniamina, sự xuất hiện của nàng Italia như một sợi dây níu giữ Arthur lại với mặt đất của hiện thực, và cũng là ánh sáng xua đi màn sương u minh của La Chimera, để rồi ta không khỏi khắc khoải móng ngong, rằng liệu phần thiện lương trong Arthur sẽ được thức tỉnh?
Bầu không khí u hoài, hư ảo trong La Chimera làm tôi mường tượng đến kiệt tác Tân hiện thực La Strada của đạo diễn đại tài người Ý Federico Fellini. Và giống như phong vị điện ảnh của bậc tiền bối Fellini, La Chimera hiện lên tựa như một chuyến phiêu bạt trên con đường đời, một thước phim nên thơ đầy hoài niệm với những trăn trở nhân sinh, nơi ranh giới giữa hiện thực và giấc mơ như bị xoá nhoà. Thế rồi, tôi bắt gặp bóng dáng của chàng thơ Pier Paolo Pasolini trong cách La Chimera hướng lăng kính điện ảnh đến những vùng nông thôn hoang sơ, đìu hiu và cổ kính của nước Ý. Hồn cốt của trào lưu Tân hiện thực Ý xa xưa như được hồi sinh trên màn ảnh trong bao nỗi ưu tư, cơ cực của những kiếp người bé nhỏ. Quả không sai khi nói, La Chimera là lá thư tri ân đến những tinh hoa cổ kính của điện ảnh Ý.
Bằng phong vị kể chuyện độc đáo, La Chimera đã đưa người xem vào một trải nghiệm tâm linh với sự quyện hoà giữa nét đẹp của hiện đại đương thời và thần thoại cổ kính. Tới đây, tôi muốn trích dẫn lời Đức Thế Tôn từng dạy trong Kinh Kim Cang: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh” – rằng thế gian này cũng như một giấc mộng hư ảo. Tôi muốn bàn đến triết học phương Đông để nhìn nhận về một bộ phim mang đậm cảm hứng thần thoại phương Tây, và rằng cách quán chiếu đời như mộng huyễn đã từng xuất hiện trong áng thơ tiên sinh Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng, Hồ lao vi kỳ sinh?” (Chuyện đời như mộng lớn. Việc gì phải nhọc lòng?), hay bài kệ của Vạn Hạnh Thiền Sư: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.” - Thịnh suy, hư vinh, danh vọng cũng là phù du như giọt sương vương trên đầu ngọn cỏ, thế nhưng dưới con mắt của phàm phu, của những Arthur, những kẻ đạo tặc u minh, thì giọt sương mong manh bỗng hoá những viên kim cương chói loà, để rồi họ xâu xé nhau giành giật thứ mộng huyễn hư ảo mà biến thành quái vật Chimera tự lúc nào không hay. Để vượt thoát khỏi sự tầm thường, si mê, có lẽ những kẻ phàm trần phải học cách vươn mình đến phần sáng trong cao cả, đến cái thuần khiết, thiện lương, đến tâm linh tột cùng.
___________
La Chimera cùng nhiều bộ phim Ý khác sẽ được chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Italia 2024 tại Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Đại sứ quán Italia tại Hà Nội, phối hợp với Liên hoan Phim Châu Á tại Rome, diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 23.09 đến ngày 28.09.2024.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ