phân tích

ANDRÉ BAZIN - “Người khiến không ít ông thầy tu cũng phải trở thành Cinephile”

Người viết: Phan Anh

img of ANDRÉ BAZIN - “Người khiến không ít ông thầy tu cũng phải trở thành Cinephile”

Nhà phê bình điện ảnh André Bazin (1918 - 1958) sinh ra tại Pháp, thật tiếc khi mà ông mất khá sớm ở tuổi 40, ông thuộc vào số những nhà phê bình điện ảnh quan trọng nhất trong dòng chảy lịch sử của điện ảnh đối với không ít các đạo diễn và người làm phim, Bazin đồng thời cũng được coi như người cha tinh thần của Làn sóng mới điện ảnh Pháp.

André Bazin từng theo đuổi sự nghiệp giáo viên, nhưng bị từ chối vị trí giảng dạy vì tật nói lắp, sau một thời gian ông mở câu lạc bộ điện ảnh và tham gia các hoạt động chiếu phim, viết và biên tập các bài luận về điện ảnh (vào thời điểm Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris).

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, André Bazin cùng với Henri Langlois đã trở thành hai nhân vật then chốt của Làn sóng mới Pháp, họ cùng nhau mở lại rạp chiếu Cinémathèque Fr. - nơi tụ họp hồi đó của đông đảo giới tri thức trẻ Pháp và cùng bình luận về phim. Bazin có vai trò lớn lao trong việc hình thành vô cùng nhiều “ciné-club”, nhất là tại Paris. Trong blog Nhị Linh của nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng từng có nhận xét về Bazin thế này: “Tài năng của André Bazin khiến không ít ông thầy tu cũng phải trở thành cinéphile.”

Rồi tới năm 1951 ông và hai người bạn là Doniol-Valcroze, Marie Lo Duca đồng sáng lập mở ra tạp chí phim nổi tiếng Cahiers du Cinéma. Như vậy,vai trò của Bazin đã là nhân vật trung tâm quan trọng trước cả khi mở ra tờ tạp chí.

Trong một cuộc bút chiến với triết gia Jean-Paul Sartre ngay trên tạp chí Les Temps Mordernes mà Sartre là đồng sáng lập, Bazin đã đứng lên bảo vệ bộ phim Citizen Kane của đạo diễn Mỹ Orson Welles. Citizen Kane ra mắt năm 1941, nhưng mãi đến sau Thế chiến mới được trình chiếu ở Pháp, Sartre đã được xem bộ phim này ở Mỹ, và sau đó đưa ra nhiều lời chỉ trích rằng phim chỉ dành cho giới tri thức, giới tinh hoa, do đó thiếu đi tính quần chúng, thiếu tính xã hội (Bản thân Sartre cũng quan trọng ở nhiều khía cạnh đối với các đạo diễn phim Pháp thời ấy, chẳng hạn với Eric Rohmer; hay Truffaut sau này đi bán báo cùng Sartre ngoài đường phố). Sự đón nhận của công chúng Pháp về bộ phim đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những lời phê bình của Sartre. Tuy nhiên, những lời tuyên bố của Bazin đã đem lại sự công bằng cho Citizen Kane, ông ca ngợi bộ phim của Welles về tính đổi mới liên quan đến không-thời gian, về mise en scène hay về sự khác biệt của nó với điện ảnh Hollywood đương thời; đây lại vốn là những lĩnh vực mà Sartre biết nhưng lại không mấy nhắc đến, do đó ông không có góc nhìn tôn trọng về bộ phim này. Những bài tiểu luận sau này của Bazin, nổi bật là “Kỹ thuật làm phim của Citizen Kane” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lấy lại danh tiếng cho bộ phim, ông cho rằng nó đã cách mạng hoá ngôn ngữ và thẩm mỹ điện ảnh. Những lời bảo vệ Citizen Kane của Bazin như một tác phẩm nghệ thuật đã gây ảnh hưởng lớn tới các nhà phê bình và công chúng, góp phần giúp bộ phim được đánh giá lại một cách rộng rãi hơn ở cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Những năm cuối đời, Bazin giành thời gian cho ra bộ sách “Điện ảnh là gì?” nay được biên soạn ra thành hai cuốn, là tập hợp các tiểu luận, phê bình cũng như các diễn ngôn của ông về điện ảnh.

Với cuốn thứ nhất, có lời đề tựa ngắn của đạo diễn Jean Renoir “…Bazin đã khiến chúng tôi cảm thấy rằng nghề nghiệp của chúng tôi là một nghề cao quý, giống như cách mà các thánh nhân xưa đã thuyết phục người nô lệ về giá trị nhân tính của mình..”, và đúng như tên của cuốn sách “Điện ảnh là gì” ông đã tự đặt ra một câu hỏi để trả lời. Trong cuốn thứ nhất ông đưa ra những đầu đề dẫn nhập, điện ảnh bắt đầu từ đâu?, ngôn ngữ điện ảnh, những ưu và hạn chế của kỹ thuật Montage, rồi nói về điện ảnh kinh điển với tiểu luận về bộ phim “Diary of a Country Priest” và phong cách của đạo diễn Robert Bresson, và cả về Charlie Chaplin. Tiếp theo ở cuốn thứ hai (có lời đề tựa của Truffaut), Bazin nói chủ yêu về phong trào Tân hiện thực Ý một phòng trào cũng ảnh hướng rất nhiều đến thế hệ làn sóng mới Pháp. Ngoài ra, một số bài tiểu luận thú vị Bazin viết về phim viễn Tây của Mỹ hay còn được ông ca ngợi đó là những bộ phim Mỹ xuất sắc, cũng như phân tích cả hiện tượng “pin-up girls” thới đó. Sau khi Bazin mất, đạo diễn Eric Rohmer chính là người biên tập để cho ra bộ sách điện ảnh này.

Đối với Truffaut, ông luôn coi Bazin như người cha của mình, bởi chính Bazin là người đã cưu mang, và nhìn thấy tiềm năng của cậu bé Truffaut, là người đã đốc thúc Truffaut phải xem thật nhiều phim, đọc thật nhiều sách nếu muốn được nhận vào tạp chí, và to lớn hơn là trở thành đạo diễn; nhớ cái hồi Truffaut mới từ trại ra, ông vẫn chỉ làm chân lao công ở tạp chí. Ngày André Bazin qua đời cũng chính là ngày Truffaut bấm máy quay The 400 Blows, bộ phim chính thức mang lại địa vị cho Làn Sóng Mới Điện ảnh Pháp tại Cannes 1959.

Sau này tên ông được lấy cho tên một giải thưởng về điện ảnh, và bộ phim Việt Nam là “Bên Trong Vỏ Kén Vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đạt được giải André Bazin do tạp chí Cahiers du Cinema trao thưởng vào năm 2023. Bài viết mới chỉ nêu được một phần nhỏ so với sức ảnh hưởng và những gì mà André Bazin đã tạo dựng lên thời đó. Ông mãi mãi là một người cha tinh tinh thần, phủ một cái bóng lớn lao cho thế hệ những nhà làm phim của làn sóng mới Pháp và điện ảnh sau này.

_________

Bài viết được tham khảo từ một số nguồn:

  • Blog Nhị Linh của anh Cao Việt Dũng
  • “Jean-Paul Sartre, Hollywood, Citizen Kane and the Nouvelle Vague” trên trang Screening the Past

Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo