phân tích

PHÁP LUẬT NHÂN VĂN NHƯ MỘT HẬU PHƯƠNG CỦA NHỮNG GIẤC MƠ ĐIỆN ẢNH

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of PHÁP LUẬT NHÂN VĂN NHƯ MỘT HẬU PHƯƠNG CỦA NHỮNG GIẤC MƠ ĐIỆN ẢNH

Quãng thời gian làm thực tập sinh sở hữu trí tuệ tại Vietthink Law Firm & Intellectual Property Agent vừa khép lại. Tôi bước vào hành trình này với vốn kiến thức pháp lý của một sinh viên luật năm 3, cùng sự hiểu biết nhất định về nhân văn, mỹ học, nghệ thuật và những con người sáng tạo nên nghệ thuật. Và chẳng biết tự khoảnh khắc nào trên chặng đường đời 20 năm non nớt, tôi đã hình thành niềm trăn trở rằng làm sao có thể gìn giữ, bảo vệ những giá trị tinh thần mà nghệ thuật mang lại trong một thế giới đầy biến động, nơi sự sùng bái vật chất và thách thức từ hệ thống pháp luật và thương mại ngày càng lớn dần.

Những tháng ngày vừa qua là khoảng thời gian tôi chiêm nghiệm về dòng chảy của điện ảnh nhân loại, về cách mà nhân văn học vẫn luôn đồng hành, hiện hữu cùng sự tồn tại nhân sinh, để nâng đỡ nghệ thuật, tôn vinh những giá trị tinh thần cao cả. Tôi nhớ đến “học thuyết pháp luật tự nhiên” khởi nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, được vun đắp bởi những bậc trí giả như Socrates, Plato, và đặc biệt là Aristotle. Một hệ tư tưởng tiến bộ, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều nhà lập pháp và được phát triển mãi đến hậu thế về sau: rằng luật pháp - như một nhánh của nhân văn học, khoa học xã hội – không chỉ là công cụ thực thi quyền lực, mà còn phải tuân theo luân lý thiêng liêng, công bằng của tự nhiên, theo những chuẩn mực cơ bản của đạo đức và chính trị. Tôi muốn bàn về một lý tưởng pháp luật trên nền tảng học thuyết pháp luật tự nhiên, đồng thời thấm đượm tinh thần nhân văn, hay cụ thể hơn, là về nền pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật điện ảnh mang sứ mệnh tôn vinh, bảo hộ những giá trị nghệ thuật cao cả.

Đứng trên phương diện lịch sử, Aristotle đã đóng góp rất nhiều trong việc hệ thống hoá quan niệm công bằng, rằng công bằng là “một nhân đức nhờ đó mỗi người nhận phần của mình và theo sự quy định của luật pháp”. Trong bối cảnh hiện đại hoá, kết hợp cùng điều kiện và tâm thức của xã hội hôm nay, công bằng không chỉ dừng lại ở phạm vi pháp lý, mà cần nối kết với các chiều kích xã hội, liên đới, nhân bản, tâm linh. Nghệ thuật, với bản chất tự do sáng tạo vốn có, cần được đặt trong một hệ thống pháp luật công bằng với “cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ở mức độ cao nhất”, để bảo vệ sự độc đáo và đóng góp của từng cá nhân. Thế nhưng, tính công bằng không chỉ nằm ở chức năng bảo vệ của pháp luật, mà còn nằm ở việc tạo điều kiện, và bản thân pháp luật cần hướng tới tinh thần “Cái Thiện” cao cả của Plato, với hơi thở của nhân văn, sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc giá trị nghệ thuật. Tôi nghĩ về điện ảnh Pháp trong giai đoạn Làn Sóng Mới - minh chứng uy nghi cho thấy một hệ thống pháp luật cấp tiến, linh hoạt, tôn trọng thành quả sáng tạo của con người có thể là hậu phương, đòn bẩy cho những tác phẩm đột phá, thấm đượm tinh thần tự do và cách mạng. Ngày nay, pháp luật Việt Nam vẫn còn tồn tại các bất cập khi bàn về việc hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển, chẳng hạn như những quy định kiểm duyệt mang nặng tính chủ quan và thiếu minh bạch, sự thiếu hụt hành lang pháp lý sở hữu trí tuệ, tiến độ làm việc chậm trễ từ phía cơ quan nhà nước, các chính sách hỗ trợ còn hạn chế hay những thách thức từ mức thuế giá trị gia tăng hiện hành,…

Những ngày xếp, đọc hồ sơ các vụ việc sở hữu trí tuệ, viết Công văn, hay thú vị hơn thì làm dịch thuật, viết thư tư vấn khách hàng và được đào tạo kiến thức thực tế nghề luật đã dạy cho tôi biết trân trọng giá trị của lao động và sự cống hiến. Tôi nhận ra rằng đúng như slogan “Always think for you”, Vietthink đã khiến tôi biết làm việc với lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm cùng phẩm giá, và tôi tin rằng đây là nơi những con người sáng tạo có thể trao gửi niềm tin. Cho đến ngày cuối cùng của đợt thực tập, chị Vân Anh – mentor của tôi đã chia sẻ điều mà tôi cho rằng là một trong những bài học quý báu nhất tôi nhận được trên chuyến hành trình tập làm luật gia, đó là, chị luôn tin vào lòng tốt, nhân-quả và sự cho đi yêu thương. Có lẽ giống như quan niệm về đạo đức và pháp quyền trong triết học Immanuel Kant, những con người hành nghề luật cần có một tâm niệm vững vàng rằng pháp luật phải tôn trọng nhân loại như một mục đích tự thân, như một sự phản ánh luân lý tự nhiên chứ không chỉ là công cụ thực thi quyền lực để đạt được lợi ích. Pháp luật dựng xây trên tinh thần nhân văn sẽ không chỉ tôn vinh những giá trị tinh thần cao cả, như niềm đam mê, khát vọng sáng tạo của con người, mà còn tiếp thêm niềm tin về cái đẹp, cái Thiện vẫn còn hiển hiện trong lòng cuộc sống.

Tới đây, tôi xin trích dẫn lời kết bài phỏng vấn của All About Movies với Cổ Động vào hồi tháng 8/2024:

“Cổ Động: Trước khi kết thúc bài phỏng vấn, các bạn còn lời gì muốn nhắn nhủ tới các độc giả của Cổ Động, đặc biệt là những bạn đã và đang làm trong ngành điện ảnh?

All About Movies: Có lẽ All About Movies sẽ trích một câu hát của The Beatles: “And in the end, the love you take is equal to the love you make” - vì yêu thương ta nhận được chính bằng yêu thương ta tạo ra”.

Tháng ngày gần đây, với thành công vang dội từ những tác phẩm quê nhà như Cu Li Không Bao Giờ Khóc hay Mưa Trên Cánh Bướm, tôi muốn thắp lên ngọn lửa hy vọng về một làn sóng mới của điện ảnh Việt Nam, và tôi tin vào một tương lai tươi sáng, một lý tưởng pháp luật nhân văn như chiếc cầu nối giữa nghệ thuật và công lý. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những luật sư của Vietthink Law Firm & Intellectual Property Agent, và mong sao có thể được quay lại đồng hành tại nơi đây trên chặng đường nghiên cứu, bảo vệ pháp lý các sản phẩm trí tuệ điện ảnh.

Cho đến cuối cùng, hãy để yêu thương dẫn lối chúng ta.

______________________ (Ảnh từ bộ phim Làn Sóng Mới Pháp, Pierrot le Fou (1965), đạo diễn Jean-Luc Godard. Trong suốt sự nghiệp điện ảnh, Godard đã không ngừng đặt ra những câu hỏi và phản biện mang khuynh hướng cấp tiến về các dạng thức khác nhau của tài sản và quyền tài sản, nổi bật trong số đó là quyền sở hữu trí tuệ. Link bài viết “JEAN-LUC GODARD VÀ LUẬN BÀN VỀ PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ” của All About Movies: https://allaboutmovies.vn/post/2024-09-13-jean-luc-godard-va-luan-ban-ve-phap-luat-so-huu-tri-tue/)


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo