phỏng vấn
Những phim của Dương Diệu Linh - Một Bài Tập Với Bản Thân Thực Hiện Suốt 10 Năm
Người viết: Ette

Câu chuyện của “Mưa Trên Cánh Bướm” với phần lớn công chúng có thể được nói bắt đầu từ năm 2019 tại một buổi pitching trong hội thảo Hiệp hội Điện ảnh và Đại Sứ Quán Mỹ, khi dự án này của Dương Diệu Linh đã vượt qua 25 dự án triển vọng khác để đoạt giải nhất. Còn được biết đến với cái tên “Chuyện Săn Giai” (Man Hunting) vào thời điểm bấy giờ, câu chuyện của chị trong những bản nháp đầu tiên kể về hai phụ nữ thuộc thế hệ khác nhau, đều khao khát yêu và được yêu, cố gắng tìm đủ cách để giành được trái tim người đàn ông của đời mình. Chuyện Săn Giai từ đó đã tham gia nhiều chợ dự án, labs và workshop để nở kén sinh thành tác phẩm “Mưa Trên Cánh Bướm” mà ta biết ngày nay.
Thế nhưng, nếu hành trình của “Mưa Trên Cánh Bướm” hay “Chuyện Săn Giai” được bắt đầu từ 5 năm trước, thì hành trình của riêng đạo diễn Dương Diệu Linh cùng mối quan hệ của cô với những giai thoại về người phụ nữ trung niên, những mâu thuẫn nhập nhằng, cũng như những yếu tố siêu hình lại được bắt đầu từ rất lâu trước đó rồi.
Trong bài viết này, mình xin được điểm qua 6 tác phẩm ngắn của chị được thực hiện trong khoảng thời gian 2013-2020 trước thềm phát triển “Mưa Trên Cánh Bướm”, cụ thể bao gồm:
- Kitsu-ne (2013)
- Ầu Ơ (2014)
- Người Lớn Không Nói Xin Lỗi (2016)
- Mẹ, Con Gái, Và Những Giấc Mơ (2017)
- Ngọt, Mặn (2019)
- Thiên Đường Gọi Tên (2020)
Kể rằng bản thân khi còn bé đã thường có nhiều tiếp xúc với những phong tục tập quán và lễ chùa ở miền Bắc – điều này đã tiếp tục ảnh hưởng đến chị sau này. Chị Linh cho biết minh đã “luôn tò mò về tâm linh và các hoạt động tín ngưỡng” với “niềm tin vào thế giới siêu hình, thần thoại, thế lực siêu nhiên và tất cả các vị thần mà chúng ta tôn thờ” Những dấu ấn thần thoại dân gian cùng yếu tố tâm linh vì thế vốn đã xuất hiện ở một trong những tác phẩm phim ngắn đầu tiên của chị hơn 10 năm trước, khi chị còn học tại trường Đại học Nanyang ở Singapore.
● Bộ phim dài 4 phút mang tên “Kitsu-ne” (2013) mở đầu bằng một giai thoại về truyền thuyết nữ hồ ly tinh chín đuôi – một sinh vật có khả năng chuyển biến đảo các thái cực âm dương - được nối tiếp sau đó bằng một loạt những chuỗi hình ảnh trừu tượng, ẩn ý đến tính chất xảo quyệt, khêu gợi, và chết chóc của loại sinh vật này dưới diện mạo của một yêu nữ.
Không có màu sắc tinh nghịch hay những cuộc qua lại hài hước, giễu nhại đặc trưng của Dương Diệu Linh sau này, “Kitsu-ne” thường bị lãng quên trong số những phim ngắn của chị như một thử nghiệm thất bại với lối diễn đạt mang tính biểu diễn tối giản, mang nhiều sự tương đồng với các loại hình nghệ thuật sắp đặt hơn – điều mà chị cho rằng không phản ánh đúng phong cách hay mỹ quan riêng của mình.
Thế nhưng “Kitsu-ne” ở một phương diện nào đó vẫn là một khởi điểm đáng thú vị để quan sát về sự phát triển trên con đường nghệ thuật của chị như một người vẫn còn đang tìm kiếm tiếng nói của riêng mình trước những sự mơ hồ và bất định thuở ban đầu. Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt trong hình thức khi so sánh với các tác phẩm sau này của chị, Kitsu-ne vẫn thể hiện được những mối bận tâm của chị trong sự thực nghiệm với các yếu tố siêu hình trên phim như một tiền đề và giải pháp cho câu chuyện kể ra.
● Bộ phim ngắn tiếp theo của chị, “Ầu Ơ” (Hush Hush), được thực hiện vào năm 2014 trong khoảng thời gian khi chị trở về Việt Nam sau khi du học, với đoàn phim chỉ vỏn vẹn 4-5 người. Bộ phim kể về một người phụ nữ trung niên nhờ đến sự giúp đỡ của một pháp sư trừ tà để thực hiện một nghi lễ nhằm xua đuổi linh hồn tà ác mà bà tin rằng đang bám lấy con gái mình, khiến cô dính dáng đến một người đàn ông đã có gia đình. Ta dõi theo cuộc sống của mẹ con với những bí mật riêng và mâu thuẫn ngầm ẩn giữa họ.
Tại đây, khán giả có thể thấy một số sự tương đồng với “Mưa Trên Cánh Bướm”. Ở phương diện nào đó, có thể nói “Ầu Ơ” đã đặt nền móng cho bộ phim điện ảnh đầu tay của chị Linh, một tác phẩm về đề tài gia đình, quay quẩn những khúc mắc trong mối quan hệ nan giải mẹ con, với màu sắc đặc thù của văn hóa tâm linh phương Bắc và những hình ảnh gợi ý về tâm tính dục. Mối quan tâm của chị về đề tài tâm linh trước đó được chuyển hóa từ một sự khám nghiệm về tính nguyên học thành sự tiếp xúc của chúng ta với nó.
● “Người Lớn Không Nói Xin Lỗi” (Adults Don’t Say Sorry), thực hiện dưới sự hỗ trợ của TPD, bắt đầu khai thác sâu hơn vào hình mẫu người phụ nữ trung niên càu nhàu, nhắn nhó, nay đã trở thành dấu ấn đặc trưng của chị. Trên bề mặt, họ là những người ăn nói khó chịu, lời lẽ cọc cằn, thế nhưng dưới lăng kính của chị Linh, những lời ấy lại mang tính hài hước theo những cách đáng yêu riêng. Ẩn khuất dưới sự thô thiển trong lời ăn tiếng nói của họ là những khát vọng và mong muốn được yêu và tìm thấy tình yêu thiếu vắng đi khả năng để giải bày.
● “Mẹ, Con Gái, Và Những Giấc Mơ” (Mother, Daughter, & Dreams) có thể được coi là một trong những tác phẩm có quy mô lớn đầu tiên của chị Dương Diệu Linh. Tại đây, ta có thể thấy rõ sự kết hợp các yếu tố siêu hình và thần bí như một phương pháp kể chuyện. Những hình ảnh phi thực đặc trưng trong body horror, cùng các quy ước thể loại phần lớn từ những đạo diễn nam khác, được uốn nắn dưới góc nhìn của chị để tạo ra những nỗi sợ và bất an đặc thù trong trải nghiệm nữ giới.
Thế nhưng, trái ngược với các tác phẩm ngắn khác của chị, “Mẹ, Con Gái, Và Những Giấc Mơ” không chỉ đơn thuần quan sát những mâu thuẫn mà bộ phim đặt ra như một phần không thể hóa giải của trải nghiệm phụ nữ, mà lại cho chúng một giải pháp mang tính thoát ly khỏi những bế tắc của câu chuyện với một viễn cảnh không thực về một cuộc đoàn tụ gia đình ấm áp – một câu trả lời có phần bi đát và tàn nhẫn, chỉa ngược lại chính tiêu đề của bộ phim khi một kết thúc đẹp cho người mẹ và con gái chỉ có thể xảy ra trong những giấc mơ.
● “Ngọt, Mặn” và “Thiên Đường Gọi Tên” là hai tác phẩm ngắn cuối cùng của chị trước khi phát triển “Mưa Trên Cánh Bướm”. Nếu các tác phẩm trước có thể được coi như những phác thảo đầu tiên về bức tranh lớn của chị về người phụ nữ trong gia đình Việt Nam đương đại, thì “Ngọt Mặn” là bộ phim khai thác một cách hoàn thiện nhất trong khuôn khổ phim ngắn. Bộ phim kể về Hà, một người phụ nữ trung niên đang mang thai, quyết định đi đánh ghen với người tình bí mật của chồng mình, nhưng cuộc đối chất khó đoán này lại dẫn đến những tình huống éo le, để lại cho cô cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Cũng tại đây, ta có thể nhận thấy rõ các khuôn mẫu trong các tác phẩm của chị, từ bộ phim thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 đến bộ phim thứ 6, mỗi tác phẩm đều quay quanh thân phận những người phụ nữ trung niên trong khi cùng tìm kiếm nguồn gốc cho những đau khổ của họ.
Trong lời tựa về Mưa Trên Cánh Bướm, chị Linh chia sẻ:
“Tôi không muốn làm một phim buồn mang mác và tâm lý nặng nề để các phụ nữ than vãn về cuộc đời mệt mỏi. Tôi muốn làm một phim khiến mọi người cười rất nhiều, nhưng sẽ rời rạp với cảm giác chua xót. Người Việt có câu “cười ra nước mắt”, có thể hiểu rằng trong một tình huống đáng buồn, bạn lại đành phải cười lên. Tôi nghĩ câu đó áp dụng rất chính xác vào tình cảnh của những người phụ nữ trung niên, và đó là cách tôi muốn kể câu chuyện của họ.”
Có lẽ vì thế, chất nữ tính đậm đặc trong các phim ngắn của chị Linh luôn thể hiện một cách sống động, sâu sắc, cũng như dí dỏm, tính chất địa phương của nó, tách biệt khỏi những diễn ngôn thông thường về nữ quyền phương Tây để thể hiện “một thế giới luôn sóng sánh động như nhìn qua lăng kính nước, như thế giới nội tâm của các nhân vật trong phim, đã và đang chìm ngập giữa tính nữ và sự phi lý trí của nữ tính nguyên thủy” (trích ý từ một bài viết về Mưa Trên Cánh Bướm của chị Vũ Thanh Bình mà tôi rất thích).
Trong một bài phỏng vấn khác, chị Linh từng chia sẻ rằng trong quá trình làm phim ngắn, chị hay đọc lại và tìm được nhiều điểm tương đồng để rồi nhận ra có những thứ mình quan tâm từ hơn 10 năm trước vẫn ở lại đến tận bây giờ. Chúng là những thứ khiến mình đau đáu, những sự ám ảnh cá nhân mà trong đó chị tìm thấy được đề tài cho mình. Như thể một bài tập với bản thân đã thực hiện suốt 10 năm qua, mỗi khi có ý tưởng mới, niềm hứng thú gì đó, chị luôn tìm cách viết chúng lại, và trong quá trình hoàn thiện kịch bản phim dài đầu tay, cô cũng tìm được rất nhiều chất liệu từ những ghi chép ấy.
Các phim ngắn của chị Linh khi xâu chuỗi lại cùng nhau thể hiện một sự tích lũy những quan sát của chị về những thống khổ và trăn trở của một thế hệ phụ nữ thường bị ngó lơ trong các tự sự hiện đại để từ đó nhằm đưa ra và diễn giải những nhận xét quyết đoán. Mưa Trên Cánh Bướm bởi thế mang một tính cột mốc nhất định trong chặng đường gần 12 năm sự nghiệp điện ảnh của chị Linh, không chỉ bởi những thành tích quốc tế bộ phim đạt được mà còn bởi sự trọn vẹn và hoàn thiện nhất cho câu chuyện chị đã cố gắng kể ra suốt 10 năm qua.
Trong buổi chiếu phim ngắn của chị tại trường Khoa Học Xã Hội Nhân Văn do Ồ Ạt đồng tổ chức, chị có chia sẻ rằng Mưa Trên Cánh Bướm khép lại một chặng đường trên mặt tinh thần nào đó cho chị trước khi bước sang chương tiếp theo.
Thế nhưng đến thời điểm viết bài này, hành trình của bản thân Mưa Trên Cánh Bướm vẫn chưa chấm dứt, bộ phim hiện vẫn còn đang được chiếu rạp ở Việt Nam với suất chiếu vô cùng hạn chế cùng dấu hiệu có khả năng rời rạp rất sớm trong thời gian tới. Đội ngũ All About Movies cũng mong muốn, với tất cả tình yêu điện ảnh và niềm tin vào một điện ảnh Việt mới, những chia sẻ của chúng mình có thể tạo một chút cảm hứng cho các bạn ra rạp ủng hộ phim.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ